Cập nhật sổ hồng đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm hiện nay. Sau khi công việc xây dựng nhà ở được hoàn thành, chủ đầu tư cần tiến hành thủ tục hoàn công để có thể đưa nhà ở vào sử dụng, đồng thời cũng phải đăng ký biến động đất đai. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện các công việc này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2018, 2019, 2020)

– Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng

– Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ

– Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai.

Thủ tục hoàn công và cập nhật sổ hồng
Thủ tục hoàn công và cập nhật sổ hồng

II. ĐỐI TƯỢNG NÀO PHẢI THỰC HIỆN THỦ TỤC HOÀN CÔNG?

Điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định:

Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, việc thi công xây dựng phải được tổ chức có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định thực hiện. Chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, thủ tục hoành thành công trình nhà ở riêng lẻ (hoàn công) chỉ được đặt ra đối với công trình nhà ở từ 7 tầng trở lên.

Đối với các dự án nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, về nguyên tắc, chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm và an toàn xây dựng và các ảnh hưởng các việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận.

Đối với dự án nhà ở khác dưới 7 tầng, trừ trường hợp nêu trên, pháp luật chỉ yêu cầu việc thi công xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự thực hiện. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chủ nhà phải tham khảo ý kiến của thiết kế để kịp thời xử lý.

III. TRÌNH TỰ THỦ TỤC HOÀN CÔNG VẦ CẬP NHẬT SỔ HỒNG

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn công

Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng nhà ở bao gồm các tài liệu sau:

(1) Giấy phép xây dựng

(2) Hợp đồng xây dựng của chủ nhà ký với các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công xây dựng (nếu có)

(3) Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng

(4) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công xây dựng

(5) Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng

(6) Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp việc thi công xây dựng có sai khác so với thiết kế bản vẽ thi công xây dựng)

(7) Báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có)

(8) Văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy; an toàn vận hành thang máy

Bước 2: Nộp hồ sơ hoàn công

Chủ đầu tư nộp hồ sơ hoàn công tại Sở xây dựng của tỉnh, thành phố nơi có nhà ở.

Sở Xây dựng ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng của chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ khi kết thúc kiểm tra.

Trường hợp chủ đầu tư phải thực hiện các yêu cầu giải trình, khắc phục các tồn tại (nếu có) và thực hiện thí nghiệm đối chứng, thử tải, kiểm định chất lượng bộ phận, hạng mục hoặc toàn bộ công trình thì thời hạn nêu trên được tính từ khi chủ đầu tư hoàn thành các yêu cầu này.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký biến động đất đai

Hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm:

(1) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu

(2) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp

(3) Chứng từ về việc nộp nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp có ghi nợ hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp người sử dụng đất được miễn giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật

(4) Bản sao Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng

(5) Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu đối với trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải nghiệm thu hoàn tất xây dựng công trình (chỉ áp dụng trong trường hợp công trình nhà ở riêng lẻ thuộc đối tượng phải được cơ quan nhà nước nghiệm thu thủ tục hoàn công).

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai

Chủ đầu tư nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà ở để cập nhật thay đổi về việc xây dựng nhà ở vào Giấy chứng nhận.

Văn phòng đăng ký đất đai sẽ xem xét và giải quyết hồ sơ đăng ký biến động trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Lệ phí địa chính về việc chứng nhận đăng ký biến động về đất đai tùy thuộc vào quy định của từng địa phương.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục thêm tên vợ hoặc chồng vào sổ đỏ

Thủ tục mua bán nhà ở đất ở

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (2 bình chọn)