Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cần những giây tờ gì là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Do Việt Nam là một trong những quốc gia rất thu hút khách nước ngoài không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà còn do môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định. Số lượng khách nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid 19 đang bùng phát mạnh trên lãnh thổ Việt Nam, dẫn đến sự kiểm soát việc nhập cảnh, sinh sống và làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam trở nên chặt chẽ hơn.

Vậy người nước ngoài khi nhập cảnh, sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần những giấy tờ gì thì được coi là nhập cảnh và cư trú hợp pháp tại Việt Nam? Sau đây, Luật Thành Đô xin giải đáp thắc mắc trên của Quý vị qua bài viết “Người nước ngoài khi nhập cảnh, sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần những giấy tờ gì?”

Theo quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Luật Xuất nhập cảnh) năm 2019, khi nhập cảnh hoặc cư trú, làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài cần phải có các giấy tờ sau:

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI SINH SỐNG TẠI VIỆT NAM CẦN GIẤY TỜ GÌ

I. THỊ THỰC (VISA)

1.Thị thực là gì?

Đây là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Hiện nay, thị thực được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người nước ngoài dưới dạng: cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử (thị thực điện tử), có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Người nước ngoài nhập cảnh, sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần những giấy tờ gì?
Người nước ngoài nhập cảnh, sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần những giấy tờ gì?

2. Đối tượng nào được cấp thị thực?

Từ định nghĩa trên, có thể thấy hầu hết người nước ngoài vào Việt Nam đều phải xuất trình thị thực được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Từng đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Viêt Nam sẽ được cấp loại thị thực có ký hiệu khác nhau, trong đó phổ biến là các loại thị thực có các ký hiệu sau:

Đối tượng được cấp Ký hiệu thị thực
Người nước ngoài là thành viên đoàn khách mời của cơ quan nhà nước cấp cao, cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam NG1, NG2, NG3, NG4
Người nước ngoài là người vào làm việc tại cơ quan nhà nước cấp cao, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. LV1, LV2
Người nước ngoài là nhà đầu tư tại Việt Nam ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4
Người nước ngoài là người quản lý văn phòng đại diện, chi nhánh, dự án của tổ chức kinh tế, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam NN1, NN2, NN3
Lao động nước ngoài LĐ1, LĐ2
Người nước ngoài vào Việt Nam để học tập, du lịch,… DH, DL, HN,…
Người nước ngoài là thân nhân của người đã được cấp thị thực hoặc vào Việt Nam để thăm người thân TT, VR

Chi tiết về từng loại thị thực, Quý vị có thể tham khảo tại Điều 8 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019.

3.Thị thực có thời hạn bao lâu?

Thời hạn của thị thực phụ thuộc vào loại ký hiệu của thi thực được cấp, cụ thể là:

– Thị thực ký hiệu SQ, EV có thời hạn không quá 30 ngày.

– Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.

– Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.

– Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.

– Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.

– Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.

– Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.

Khi thị thực hết hạn, người nước ngoài nếu có nhu cầu tiếp tục sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì phải gia hạn thị thực hoặc làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú.

II. THẺ TẠM TRÚ LÀ GÌ?

1.Thẻ tạm trú là gì?

Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực. Điều này có nghĩa là người nước ngoài đã được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam, trong trường hợp xuất cảnh và nhập cảnh lại vào Việt Nam thì không cần phải xuất trình thị thực.

2. Đối tượng nào được cấp thẻ tạm trú?

Căn cứ Điều 36 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019, thẻ tạm trú sẽ được cấp cho các đối tượng sau:

– Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;

Thẻ tạm trú được cấp cho các đối tượng này có ký hiệu là NG3.

– Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.

Thẻ tạm trú được cấp cho các đối tượng này có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực đã được cấp.

3.Thời hạn của thẻ tạm trú

Theo quy định tại Điều 38 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019, thời hạn của từng loại thẻ tạm trú cụ thể như sau:

– Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.

– Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.

– Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.

– Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.

Do Thời hạn thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày nên trong vòng 30 ngày trước khi hộ chiếu được cấp hết hạn, người nước ngoài phải làm thủ tục gia hạn thẻ tạm trú.

III. GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

1. Giấy phép lao động là gì?

Giấy phép lao động là văn bản cho phép người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Người lao động nước ngoài làm việc trên 03 tháng tại các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc phải ký hợp đồng lao động và phải xin giấy phép lao động tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2. Đối tượng nào được cấp giấy phép lao động?

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật khi vào làm việc tại Việt Nam phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động, trừ các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 7 Nghị định này.

3. Thời hạn của giấy phép lao động

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:

– Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết.

– Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.

– Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

– Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

– Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

– Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

– Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó.

– Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

– Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Điều kiện tách hộ khẩu? Có được tách hộ khẩu khi chưa có sổ đỏ không?

Thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài

Trên đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về nội dung “người nước ngoài khi nhập cảnh, sinh sống và làm việc tại Việt Nam cần những giấy tờ gì?”. Đây là những loại giấy tờ cần thiết giúp cho người nước ngoài nhập cảnh, sinh sống và làm việc tại hợp pháp tại Việt Nam.

Vì vậy, Quý vị cần liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để làm thủ tục xin cấp thị thực, thẻ tạm trú hoặc giấy phép lao động. Nếu Quý vị gặp bất kỳ khó khăn trong việc làm thủ tục, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất.

5/5 - (2 bình chọn)