Hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn dễ bị nhầm lẫn giữa khái niệm của nhãn hiệu và thương hiệu. Vậy nhãn hiệu là gì? Thương hiệu là gì? Giữa nhãn hiệu và thương hiệu có điểm gì khác nhau? Để phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu cần dựa theo những tiêu chí nào? Với bài viết “Nhãn hiệu là gì? Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu” dưới đây của Luật Thành Đô sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Sửa đổi bổ sung)

– Các văn bản pháp luật có liên quan khác

II. NHÃN HIỆU LÀ GÌ? THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ?

2.1. Nhãn hiệu

Căn cứ theo Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung): “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Theo đó, nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc…Nhãn hiệu giúp các doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng hay đối tác của mình.

2.2. Thương hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện tại chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Mặt khác, có thể hiểu thương hiệu là khái niệm trong người tiêu dùng về sản phẩm đối với các dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên bao bì hàng hoá nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm.

Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được uỷ quyền cho người đại diện thương mại chính thức.

Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu (ảnh minh họa)
Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu (ảnh minh họa)

III. PHÂN BIỆT NHÃN HIỆU VÀ THƯƠNG HIỆU

Để phân biệt giữa nhãn hiệu và thương hiệu, có thể dựa trên một số tiêu chí sau:

3.1. Đăng ký bảo hộ

* Nhãn hiệu

Nhãn hiệu là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nên được pháp luật bảo hộ. Đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực tại thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng) và sau khi đăng kí, nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ.

* Thương hiệu

Không phải đối tượng điều chỉnh của luật pháp và không được luật pháp bảo hộ. Chủ thể tự tạo ra và phát triển thương hiệu cho một sản phẩm không phải người tạo ra sản phẩm đó ,người tiêu dùng thông qua quá trình họ sử dụng và đánh giá sản phẩm. Thái độ và cảm nhận tích cực của một lượng đủ lớn người tiêu dùng đối với sản phẩm tạo nên thương hiệu cho sản phẩm đó.

3.2. Dấu hiệu nhận biết

* Nhãn hiệu

Có các dấu hiệu nhận biết và nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc…. (như tên gọi, logo, kiểu chữ…),

Có thể nhìn, sờ và cảm nhận được vì đó chính là sản phẩm – dịch vụ bạn tiêu dùng. Có thể định giá trên sổ sách và mua bán – trao đổi nhãn hiệu.

* Thương hiệu

Không có dấu hiệu nhận biết cụ thể, chỉ là hình tượng về hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng. Hình thành trong nhận thức của người tiêu dùng.

Ðó là giá trị vô hình của một công ty, được người tiêu dùng cảm nhận và đặt lòng tin.

3.3. Thời hạn

* Nhãn hiệu

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa thường là 10 năm và chủ sở hữu có thể được kéo dài bằng việc gia hạn liên tiếp, mỗi lần là 10 năm. Có thể thay đổi theo những yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiếu người tiêu dùng…

* Thương hiệu

Để tạo dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Có những doanh nghiệp hoạt động lâu năm nhưng vẫn không xây dựng được thương hiệu.

Khi xây dựng và phát triển được một thương hiệu, nó tồn tại lâu dài và không xác định được thời gian tồn tại cụ thể.

Có những thương hiệu nổi tiếng mãi theo thời gian. Có thể tồn tại khi hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu không tồn tại bởi thương hiệu do sự đánh giá của người tiêu dùng nên khi nào sản phẩm còn được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng, có cảm nhận tích cực thì sản phẩm đó cũng sẽ vẫn còn thương hiệu và ít nhất là đối với người tiêu dùng đó.

3.3. Ý nghĩa

* Nhãn hiệu

Dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu sau khi thực hiện thủ tục đăng kí trở thành tài sản và có thể được định giá.

* Thương hiệu

Dùng để xây dựng, phát triển hình ảnh của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đó;

Không thể được định giá một cách dễ dàng bởi nó là thành quả của cả một quá trình;

Có giá trị vô hình được người dùng định giá dựa trên chất lượng sản phẩm, tiềm lực kinh tế doanh nghiệp và cảm nhận của khách hàng.

Bài viết cùng chủ đề phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu:

Thủ tục đăng kí bản quyền mỹ thuật ứng dụng

Cách sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Với các thông tin trong bài viết “Nhãn hiệu là gì? Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu” mà Luật Thành Đô trình bày trên, hy vọng sẽ giúp ích cho Quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô.

5/5 - (1 bình chọn)