Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP hay còn gọi là đầu tư theo hình thức đối tác công tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.

Với mong muốn giúp Quý khách hàng nắm rõ hơn thủ tục này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới bài viết: “Thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP” để Quý khách hàng tham khảo.

Thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
Thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG PPP

1. Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14;

2. Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, QUY MÔ VÀ PHÂN LOẠI DỰ ÁN PPP

1. Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:

– Giao thông vận tải;

– Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

– Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

– Y tế; giáo dục – đào tạo;

– Hạ tầng công nghệ thông tin.

2. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định như sau:

– Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải, Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực, Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải và Hạ tầng công nghệ thông tin; trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng;

– Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực Y tế; giáo dục – đào tạo;

– Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu tại lĩnh vực Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M.

3. Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:

– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;

– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;

– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác;

– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Quý khách hàng có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư liên hệ Công ty Luật Thành Đô

III. QUY TRÌNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ PPP

Quy trình dự án PPP được quy định như sau:

(1) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;

(2) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;

(3) Lựa chọn nhà đầu tư;

(4) Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;

(5) Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Riêng đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, quy trình dự án PPP được quy định như sau:

(1) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;

(2) Lựa chọn nhà đầu tư;

(3) Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;

(4) Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;

(5) Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;

(6) Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Trường hợp dự án PPP có công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc, việc tổ chức thi tuyển được xem xét, phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư. Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.

IV. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN PPP

Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

a) Sử dụng vốn đầu tư công tư 10.000 tỷ đồng trở lên;

b) Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

c) Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

d) Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

đ) Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Trừ dự án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

a) Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

b) Dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

c) Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;

d) Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Thủ tướng chính phủ.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Thủ tướng chính phủ.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề “Thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP”. Nếu có bất cứ vướng mắc liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)