Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, cùng với đó là sự thay đổi quan trọng của nhiều chế định pháp luật. Trong số đó, chế định về hợp đồng lao động và hợp đồng thử việc là một trong những chế định quan trọng, được người lao động và người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm. Vậy, hợp đồng thử việc được được quy định thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những thông tin cơ bản và quan trọng nhất về hợp đồng thử việc trong một quan hệ lao động.

I. Khái niệm hợp đồng thử việc

Căn cứ theo khoản 1 điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019:

”Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

Như vậy, có thể thấy Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) không đưa ra khái niệm cụ thể về hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, việc thử việc của người lao động có thể ghi nhận trong Hợp đồng Lao động chính thức hoặc giao kết Hợp đồng thử việc riêng. Từ đó có thể hiểu rằng thử việc là việc người lao động thử thực hiện công việc nhất định mà người sử dụng lao động đưa ra nhằm mục đích kiểm tra sự phù hợp của người lao động đối với công việc.

Trường hợp việc thử việc được ký kết trực tiếp trong hợp đồng lao động thì người lao động sẽ được hưởng toàn bộ các quyền lợi trong hợp đồng lao động.

Quy định về thử việc và hợp đồng thử việc
Quy định về thử việc và hợp đồng thử việc

II. Nội dung của hợp đồng thử việc

Căn cứ theo Điều 24 BLLĐ 2019, nội dung của hợp đồng thử việc chủ yếu bao gồm các nội dung sau đây:

– Thời gian thử việc

– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

– Công việc và địa điểm làm việc;

– Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

III. Thời gian thử việc

Căn cứ theo Điều 25 BLLĐ 2019, thời gian thử việc do các bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

– Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: thử việc không quá 180 ngày;

– Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên: thử việc không quá 60 ngày;

– Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: Thử việc không quá 30 ngày;

– Đối với công việc khác: Thử việc không quá 06 ngày làm việc.

IV. Mức lương thử việc

Căn cứ theo Điều 26 BLLĐ năm 2019 người sử dụng lao động và người lao động được quyền thỏa thuận với nhau về mức lương thử việc. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải trả ít nhất 85% mức lương của công việc làm thử cho người lao động.

4.1. Các chế độ đối với lao động thử việc

Các chế độ người lao động thử việc được hưởng bao gồm:

– Về thời gian làm việc:

Được đảm bảo thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

– Về chế độ nghỉ:

+ Nghỉ hằng năm: Sau thời gian thử việc, nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng thì thời gian thử việc cũng được tính để tính chế độ nghỉ phép hằng năm.

+ Nghỉ lễ, Tết: được hưởng chế độ nghỉ lễ, Tết theo điều 112 BLLĐ 2019 nếu người lao động trong thời gian này.

* Về chế độ bảo hiểm:

Khi thỏa thuận về việc thử việc giữa người lao động và người sử dụng lao động, nếu người sử dụng lao động không ký hợp đồng thử việc riêng mà sử dụng hợp đồng lao động để ký kết thử việc thì người lao động sẽ được người sử dụng lao động đóng BHXH.

Nếu sử dụng hợp đồng lao động để thử việc thì trong thời gian thử việc, người lao động sẽ được hưởng các chế độ BHXH. Nếu giao kết hợp đồng thử việc, người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi này.

4.2. Chấm dứt hợp đồng thử việc

Khoản 2 Điều 27 BLLĐ đã ghi nhận cụ thể như sau:

”Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Như vậy, nếu trong thời gian thử việc, nếu cảm thấy không phù hợp thì người lao động có thể tự ý nghỉ việc hoặc người sử dụng lao động cũng có thể tự ý cho người lao động nghỉ mà không cần báo trước đồng thời cũng không phải bồi thường.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Quy trình xử lý kỷ luật lao động theo quy định mới 2021

Quyền lợi của lao động nữ khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về thử việc và hợp đồng thử việc. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp quý khách vui lòng liên hệ với luật sư công ty Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết: 1900 1958

Đánh giá bài viết này