Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong một năm doanh nghiệp cần phải nộp nhiều loại báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước. Sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn tổng hợp các loại báo cáo trong lĩnh vực lao động mà doanh nghiệp cần thực hiện trong một năm.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Lao động 2019

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

– Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động

– Nghị định 28/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp

– Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp

– Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh

– Thông tư 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động

II. CÁC BÁO CÁO TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG DOANH NGHIỆP CẦN THỰC HIỆN

2.1. Thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị

– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

“Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).”

– Thời gian nộp: Trước ngày 03 hàng tháng

– Nội dung: thông báo tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo) theo mẫu số 29 ban hành kèm Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

– Nơi nhận: Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở làm việc.

Các báo cáo trong lĩnh vực lao động doanh nghiệp phải thực hiện (ảnh minh họa)
Các báo cáo trong lĩnh vực lao động doanh nghiệp phải thực hiện (ảnh minh họa)

2.2. Báo cáo sử dụng lao động định kỳ

– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

“Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình thay đổi về lao động trong trường hợp người sử dụng lao động gửi báo cáo bằng bản giấy để cập nhật đầy đủ thông tin theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”

– Thời gian nộp:

+ Báo cáo định kỳ 06 tháng: trước ngày 05 tháng 6

+ Báo cáo hàng năm: trước ngày 05 tháng 12

– Nội dung: báo cáo tình hình thay đổi lao động theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

– Nơi nhận: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc gửi báo cáo bằng giấy tới trụ sở)

– Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

2.3. Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động

– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH

“Người sử dụng lao động phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau.”

– Thời gian nộp: trước ngày 10 tháng 01 năm sau

– Nội dung: báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng năm theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH

– Nơi nhận: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử)

2.4. Báo cáo y tế lao động

– Căn cứ pháp lý: Điều 10 Thông tư 19/2016/TT-BYT

“1. Đơn vị và nội dung báo cáo:

a) Cơ sở lao động thực hiện việc báo cáo y tế lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến huyện và Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện việc báo cáo các trường hợp tai nạn lao động được khám và điều trị tại đơn vị theo mẫu quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 39/2016/NĐ-CP).

2. Đơn vị nhận báo cáo:

a) Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Trung tâm y tế) nơi đặt trụ sở chính của cơ sở lao động;

b) Đơn vị quản lý y tế bộ, ngành đối với trường hợp cơ sở lao động thuộc quyền quản lý của bộ, ngành.

3. Thời gian gửi báo cáo:

a) Trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm;

b) Trước ngày 10 tháng 01 năm tiếp theo đối với báo cáo năm.”

– Thời gian nộp:

+ Báo cáo 6 tháng đầu năm: trước 05 tháng 7 hằng năm

+ Báo cáo năm: trước 10 tháng 01 năm tiếp theo

– Nội dung: báo cáo y tế lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT

– Nơi nhận:

+ Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở lao động;

+ Đơn vị quản lý y tế bộ, ngành đối với trường hợp cơ sở lao động thuộc quyền quản lý của bộ, ngành.

2.5. Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động

– Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP

“Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động; báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này. Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.”

– Thời gian nộp:

+ Báo cáo 6 tháng đầu năm: trước ngày 05 tháng 7 hằng năm

+ Báo cáo năm: trước ngày 10 tháng 01 năm sau

– Nội dung: báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP

– Nơi nhận: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử)

2.6. Báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp

– Căn cứ pháp lý: Khoản 7 Điều 32 Nghị định 28/2015/NĐ-CP

“Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của năm trước.”

– Thời gian nộp: trước ngày 15 tháng 01 hằng năm

– Nội dung: báo cáo về tình hình tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm trước theo mẫu số 33 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

– Nơi nhận: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Khi nào người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc

Các quy định về tiền lương của người lao động khi làm việc vào ban đêm

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Các báo cáo trong lĩnh vực lao động doanh nghiệp cần thực hiện, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (3 bình chọn)