Xử lý như thế nào khi bị đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm? Chế tài xử lý đối tượng đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm theo quy định pháp luật hiện hành ra sao? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được Luật Thành Đô tư vấn và giải đáp cụ thể ở bài viết này.

Sống buông thả, dễ dãi, nhẹ dạ, bị xúi giục hoặc hám lợi trước mắt nên không ít người đã sẵn sàng cho quay lại những hình ảnh nhạy cảm và không nghĩ rằng đến một ngày, những clip, hình ảnh ấy trở thành một công cụ để người khác lợi dụng tống tiền, đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống…

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ Luật Hình sự số 01/VPHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2017;

– Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015;

– Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

Làm thế nào khi bị đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm ?
Làm thế nào khi bị đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm?

II. GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC ĐE DỌA PHÁT TÁN HÌNH ẢNH NHẠY CẢM

2.1. Xác định đối tượng đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm

Ở đây, việc đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm dù là của mình hay là của người khác cũng đã đủ để xác định là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên phải xác định đối tượng đe dọa để có cách xử lý phù hợp nhất nhằm tránh hậu quả đáng tiếc phải xảy ra.

Nếu đó là người quen biết của bạn, hai người nên ngồi nói chuyện với nhau để giải quyết mâu thuẫn, cố gắng xử lý bằng cách mềm mỏng trước khi nhờ pháp luật can thiệp sâu hơn. Trong quá trình nói chuyện, bạn nên chuẩn bị trước những dụng cụ có thể ghi âm đề phòng trường hợp không giải quyết được bằng biện pháp thương thảo, bản ghi âm đó sẽ có hiệu lực trước tòa án và là bằng chứng để Tòa căn cứ, xử lý vụ việc một cách nhanh nhất.

Nếu đó là người bạn không quen biết, nên tìm hiểu sâu hơn về đối tượng nhằm xác định mục đích của hành vi đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm từ người lạ mặt đó là gì? Nếu có thể thì nên xác định rõ được danh tính của người đó, việc xác định được rõ danh tính của người đó sẽ làm quá trình điều tra nhanh hơn là khi chưa biết rõ danh tính người đang đe dọa đó.

Sau khi đã xem xét 2 trường hợp trên, nếu không tự giải quyết được, bạn nên đến cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gần nhất để tố giác tội phạm.

2.2. Chế tài xử lý đối tượng đe dọa phán tán hình ảnh nhạy cảm

2.2.1. Trường hợp xử phạt hành chính

Nếu chưa đủ cấu thành tội phạm thì tùy vào mục đích cuối cùng của đối tượng đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm, người đăng tải hình ảnh nhạy cảm sẽ bị áp dụng chế tài quy định Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, nếu mục đích của họ là nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, người đăng tải hình ảnh có thể sẽ bị xử phạt theo điểm g khoản 3 Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;

b) Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

c) Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

d) Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

2.2.2. Trường hợp xử lý hình sự

Đầu tiên, người đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“ Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.”.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. ”

Ngoài ra, nếu hành vi đã xảy ra trên thực tế thì còn có thể bị xử lý thêm về tội làm nhục người khác với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo đến 3 năm, khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 2 năm đến 5 năm, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp nếu mục đích của người đe dọa là muốn đòi tiền, vật có giá trị thì người đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2.2.3. Về trách nhiệm dân sự

Nếu hành vi đã xảy ra trên thực tế và gây ra thiệt hại nhất định về danh dự, nhân phẩm uy tín thì người đăng tải hình ảnh nhạy cảm phải bồi thường cho bạn.

Căn cứ theo Điều 592 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do danh sự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cụ thể như sau:

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Vậy, khi bạn bị đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm, nếu là người quen thì hãy giải quyết với nhau trước, nếu không thành công thì hãy nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra; Nếu người đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm là người lạ, hãy cố gắng xác định danh tính và mục đích của người đó.

Cuối cùng, sau khi đã cất nhắc 2 tình huống trên, bạn hãy đến cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gần nhất để tố giác tội phạm nhằm xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người đó cũng như ngăn chặn kịp thời hành vi phát tán hình ảnh nhạy cảm.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết tham khảo: Bị xã hội đen đòi tiền phải làm như thế nào

Trên đây là toàn bộ tư vấn của công ty Luật Thành Đô về trường hợp bị đe dọa phát tán hình ảnh nhạy cảm. Nếu còn khó khăn hay có vướng mắc cần được giải đáp quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài của công ty Luật Thành Đô để được tư vấn, hỗ trợ một cách tốt nhất.

5/5 - (1 bình chọn)