Thuế là nguồn thu chủ yếu trong quá trình hình thành ngân sách nhà nước, góp phần vào quá trình nhà nước thực hiện chức năng phát triển kinh tế xã hội. Đóng thuế đầy đủ chính là nghĩa vụ của người nộp thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng kê khai thiếu thuế hoặc đóng thuế chậm, thậm chí trốn thuế.

Do đó, để đảm bảo sự công bằng giữa các cá nhân, đơn vị phải nộp thuế và tránh thất thu thuế của nhà nước, pháp luật đã quy định rất chặt chẽ các mức phạt với hành vi chậm nộp thuế. Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể về các quy định đó như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ CHẬM NỘP THUẾ

Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14

– Thông tư số 166/2013/TT-BTC Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế

– Thông tư số 130/2016/TT-BTC Hướng dẫn nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế.

– Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13

Chậm nộp thuế bị phạt như thế nào ?
Chậm nộp thuế bị phạt như thế nào ?

II. MỨC PHẠT TIỀN THUẾ CHẬM NỘP

Khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về việc xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế như sau:

2.1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp

– Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;

– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

– Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;

– Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ;

– Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu;

– Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.

2.2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp

– Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

– Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, công thức tính tiền chậm nộp tiền thuế như sau:

Số tiền phạt chậm nộp = Số tiền thuế chậm nộp x 0,03% x Số ngày chậm nộp

Trong đó số ngày chậm nộp được xác định:

+) Từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn nộp thuế ghi trong thông báo hoặc quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

+) Đến ngày người nộp thuế nộp số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước

– Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

– Trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

2.3. Các trường hợp không tính tiền chậm nộp thuế

– Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán thì không phải nộp tiền chậm nộp.

– Các trường hợp đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp; hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thì không tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định; trong thời gian chưa có giá chính thức; trong thời gian chưa xác định được khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan.

III. XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI TRỐN THUẾ

3.1. Xử phạt hành chính

Đối với những hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC như sau:

– Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.

Ngoài ra còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

3.2. Xử phạt hình sự

– Đối với những cá nhân có hành vi trốn thuế đã đủ cấu thành tội phạm theo điều 200 Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, trốn thuế từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, phạm tội 02 lần, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm

Trường hợp trốn thuế 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 4,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

– Đối với pháp nhân thương mại trốn thuế thì mức phạt tiền có thể lên tới 10 tỷ đồng, bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

Bài viết có thể bạn quan tâm: Trốn thuế bị phạt như thế nào ?

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về mức xử phạt với hành vi chậm nộp thuế. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)