- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 09/05/2023
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà sau một thời gian, kể từ khi thành lập Công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông sẽ quyết định tiến hành giải thể Công ty để bảo đảm thanh toán hết các nghĩa vụ tài sản với cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, và các chủ thể khác có liên quan.
Kể từ ngày 01/01/2021 Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực thay thế Luật Doanh nghiệp 2014, theo đó, hồ sơ giải thể Công ty cổ phần cũng sẽ có sự thay đổi. Bài viết dưới đây Công ty Luật Thành Đô sẽ trình bày nội dung về Hồ sơ giải thể Công ty cổ phần mới nhất theo quy định của Pháp luật hiện hành.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Luật quản lý thuế 2019;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư số 47/2019/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư số 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
– Thông tư số 105/2020/TT-BTC Hướng dẫn về đăng ký thuế.
II. CÁC TRƯỜNG HỢP VÀ ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ CÔNG TY CỔ PHẦN
2.1. Các trường hợp giải thể Công ty cổ phần
Giải thể Công ty là việc chấm dứt sự tồn tại của một Công ty theo ý chí của chủ thể thành lập hoặc của các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, pháp luật quy định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, Công ty cổ phần sẽ bị giải thể:
– Công ty cổ phần đã kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ Công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Theo Nghị quyết về việc giải thể Công ty cổ phần của Đại hội đồng cổ đông;
– Công ty cổ phần không đủ số lượng cổ đông tối thiểu là 03 theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục và không tiến hành thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khác phù hợp;
– Công ty cổ phần bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020.
Lưu ý: Công ty cổ phần bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo các trường hợp khác căn cứ trên quy định của Luật quản lý thuế 2019 thì không thuộc trường hợp bị giải thể.
2.2. Điều kiện giải thể Công ty cổ phần
Công ty cổ phần được tiến hành thủ tục giải thể trong trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện được pháp luật quy định như sau:
– Công ty cổ phần thanh toán đầy đủ hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác với các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động và các chủ thể khác có liên quan;
– Công ty cổ phần không ở trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hay Trọng tài trong và ngoài nước.
Theo quy định, các cổ đông của Công ty cổ phần sẽ tiến hành thanh toán các khoản nợ trong phạm vi số vốn đã góp vào Công ty.
III. HỒ SƠ GIẢI THỂ CÔNG TY CỔ PHẦN
3.1. Hồ sơ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế
Trong trường hợp Công ty cổ phần có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thì Công ty cần tiến hành nộp hồ sơ tới Tổng cục Hải Quan xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuẩn bị hồ sơ giải thể Công ty cổ phần. Thành phần của hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế bao gồm các nội dung như: Tên doanh nghiệp nộp thuế; mã số thuế; số thuế phát sinh của từng loại thuế bao gồm cả số thuế do doanh nghiệp khai trong hồ sơ thuế đã nộp cho Cơ quan quản lý thuế và số thuế truy thu, số thuế khoán theo quyết định của Cơ quan quản lý thuế; số tiền phạt hành chính do vi phạm pháp luật thuế; số tiền thuế, tiền phạt đã nộp; số tiền thuế, tiền phạt còn nợ (nếu có) theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp của Công ty cổ phần.
3.2. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
Trước khi tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp thì Công ty cổ phần cần thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm các thành phần:
– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Thông tư 105/2020/TT-BTC;
– Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể Công ty cổ phần; Quyết định giải thể Công ty cổ phần của Đại hội đồng cổ đông;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp của Công ty cổ phần;
– Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của Tổng cục Hải Quan (nếu có);
3.3. Hồ sơ giải thể Công ty cổ phần
3.3.1. Đối với trường hợp tự nguyện giải thể Công ty
Thành phần hồ sơ giải thể Công ty được quy định bao gồm các thành phần sau:
– Văn bản thông báo về việc giải thể doanh nghiệp (Theo mẫu tại Phụ lục II-22, Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
– Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, bao gồm các khoản thanh toán về nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
3.3.2. Đối với trường hợp giải thể Công ty cổ phần trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án
Thành phần của Hồ sơ giải thể Công ty cổ phần sẽ bao gồm:
– Quyết định và bản sao hợp lệ Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần;
– Bản sao hợp lệ Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định của Toà án có hiệu lực;
– Báo cáo thanh lý tài sản Công ty cổ phần; Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, bao gồm các thanh toán về nợ thuế, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
3.4. Số lượng hồ sơ
01 bộ
3.5. Hình thức nộp hồ sơ giải thể Công ty cổ phần
Hiện nay có 02 hình thức để tiến hành nộp Hồ sơ giải thể Công ty cổ phần:
– Thứ nhất là hình thức nạp trực tiếp Hồ sơ giải thể tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư;
– Thứ hai là hình thức nộp Hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp thông qua địa chỉ website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
3.6. Thời hạn giải quyết hồ sơ giải thể Công ty cổ phần
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết Hồ sơ giải thể Công ty cũng như cập nhật tình trạng pháp lý của Công ty cổ phần trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được Hồ sơ giải thể hợp lệ.
3.7. Hồ sơ giải thể Công ty cổ phần thuộc trường hợp được miễn phí, lệ phí
Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục nằm ngoài mong muốn của các chủ thể thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến một giai đoạn khó khăn nhất định, Công ty không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh thì đây là giải pháp để doanh nghiệp rời khỏi thị trường một cách hợp pháp. Bên cạnh đó, đối với một số Công ty không có điều kiện trực tiếp chuẩn bị hồ sơ thì có thể uỷ quyền cho các cá nhân, tổ chức khác để hoàn thành Hồ sơ giải thể Công ty theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần tư vấn chi tiết, Quý khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ.
Bài viết cùng chủ đề:
Thay đổi Chủ tịch hội đồng quản trị trong công ty cổ phần
Trình tự thủ tục và hồ sơ giải thể công ty cổ phần
Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô về chủ đề Chuẩn bị hồ sơ giải thể công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp hay có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn miễn phí.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn