Kinh doanh dịch vụ ăn uống là một ngành nghề phổ biến ở nước ta. Việc đặt tên quán ăn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút khách hàng. Một cái tên độc, lạ, dễ nhớ sẽ giúp khách hàng dễ nhớ đến quán hơn. Tuy nhiên đặt tên như thế nào để không nảy sinh tranh chấp về pháp luật, có được đặt tên quán ăn trùng nhau không thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết này, Luật Thành Đô sẽ giải đáp câu hỏi có được đặt tên quán ăn trùng nhau không?

Câu hỏi của khách hàng:

Xin chào Luật sư, nhà tôi đang dự định mở một quán ăn đặt tên là Minh Hạnh. Tuy nhiên tôi được biết ở con phố bên cạnh cũng có một quán ăn tên là Minh Hạnh đã hoạt động được 5 năm nay. Xin hỏi Luật sư nếu tôi đặt tên quán ăn là Minh Hạnh thì có vi phạm pháp luật không?

Luật sư trả lời:

Chào bạn, với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)

Có được đặt tên quán ăn trùng nhau không ?
Có được đặt tên quán ăn trùng nhau không ?

II. CÓ ĐƯỢC ĐẶT TÊN QUÁN ĂN TRÙNG NHAU KHÔNG?

Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”

Như vậy, tên quán ăn “Minh Hạnh” chính là tên thương mại, dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh quán ăn đó với các chủ thể kinh doanh quán ăn khác trong cùng khu vực.

Điều 76 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”

Ta thấy tên quán ăn Minh Hạnh của quán ăn ở con phố bên đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được bảo hộ là tên thương mại đó là có khả năng phân biệt các quán ăn trong khu vực với nhau.

Điểm b khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.”

Theo thông tin bạn cung cấp, quán ăn ở con phố bên cạnh đã sử dụng tên Minh Hạnh được 5 năm nay, do vậy, quán ăn đó là chủ sở hữu của tên thương mại “Minh Hạnh”.

Khoản 2 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”

Do bạn dự định kinh doanh dịch vụ ăn uống, là dịch vụ cùng loại với dịch vụ mà quán ăn ở con phố bên cạnh cung cấp nên nếu bạn đặt tên cho quán ăn của mình là Minh Hạnh, trùng với tên của quán ăn đó thì hành vi này sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Mặt khác, hành vi đặt tên quán ăn trùng này của bạn còn có thể bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ: “Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ.”

Do quán ăn ở phố bên cạnh có trước quán ăn của bạn, đã có nhiều khách hàng biết đến, việc bạn đặt tên trùng với quán ăn đó có thể khiến khách hàng nhầm lẫn rằng quán ăn của bạn là một cơ sở khác của quán ăn Minh Hạnh đã có. Đây là dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, nếu như quán ăn ở phố bên cạnh đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Minh Hạnh” cho dịch vụ ăn uống thì hành vi đặt tên Minh Hạnh của quán ăn của bạn sẽ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo điểm a khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ: “Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kèm theo nhãn hiệu đó.”

Từ các phân tích ở trên, ta thấy, nếu bạn đặt tên quán ăn của mình là Minh Hạnh thì sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại, xâm phạm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, và có nguy cơ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của quán ăn Minh Hạnh ở phố bên. Trong trường hợp đó, sẽ dễ xảy ra tranh chấp đối với tên Minh Hạnh giữa 2 quán ăn và bạn có nguy cơ bị xử phạt hành chính và khởi kiện dân sự. Do đó, chúng tôi khuyên bạn không nên đặt tên quán ăn của mình trùng với tên của quán khác trong cùng khu vực.

Bài viết tham khảo: Có được thay đổi bổ sung di chúc không

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật 0919.089.888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (2 bình chọn)