Nhãn hiệu là một yếu tố rất quan trọng để thu hút khách hàng. Một nhãn hiệu mới lạ, độc đáo sẽ giúp khách hàng dễ ghi nhớ hơn. Trên thực tế có không ít nhãn hàng đặt tên ăn theo các nhãn hiệu nổi tiếng nhằm thu hút khách hàng. Làm như vậy có hợp pháp hay không, trong bài viết sau, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này.

Câu hỏi của khách hàng:

Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau mong được Luật sư giải đáp. Tôi đang dự định mở cơ sở sản xuất giày dép và đặt lấy Coca-Cola làm nhãn hiệu cho sản phẩm giày dép của mình để thu hút khách hàng. Xin hỏi luật sư nếu tôi làm như vậy có vi phạm pháp luật hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư trả lời:

Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

I. Căn cứ pháp lý

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)

Có được lấy coca-cola làm nhãn hiệu giày dép không?
Có được lấy coca-cola làm nhãn hiệu giày dép không?

II. Có được lấy coca-cola làm nhãn hiệu giày dép không?

Khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định:

“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.”

Theo Điều 75 Luật sở hữu trí tuệ, các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm:

  1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Có khoảng 94% dân số thế giới nhận biết được logo đỏ trắng của Coca-Cola và “Coca-Cola” là từ được hiểu rộng rãi đứng thứ hai tại Mỹ, chỉ sau từ “OK”? Coca-Cola bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ năm 1960. Đến năm 1994, công ty này bắt đầu chính thức kinh doanh tại Việt Nam. Tại Việt Nam, Coca-Cola cũng có tỷ lệ nhận biết rất cao.

Theo số liệu của Vinaresearch năm 2013, khi nhắc đến nhãn hiệu nước ngọt có ga tại Việt Nam, 61,3% người được hỏi đều nghĩ ngay đến nhãn hiệu Coca-Cola và tổng độ nhận biết nhãn hiệu này gần như tuyệt đối với 99,1%. Từ khi bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam đến nay, Công ty Coca-Cola sử dụng liên tục nhãn hiệu Coca-Cola, các sản phẩm của Coca-Cola có mặt ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, sản phẩm của Coca-Cola có uy tín cao, đạt được sự tin tưởng lớn từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Coca-Cola cũng nằm trong top các thương hiệu đắt giá nhất thế giới. Cụ thể năm 2020, giá trị thương hiệu của Coca-Cola là 64,4 tỷ USD, đứng thứ 6 trên thế giới.

Dựa vào các căn cứ trên, ta có thể kết luận rằng Coca-Cola là một nhãn hiệu nổi tiếng.

Mặt khác, điểm a Khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ quy định:

“Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.”

Như vậy, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Coca-Cola thuộc về công ty Coca-Cola.

Điểm d, khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau:

“Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”

Trường hợp bạn lấy Coca-Cola làm nhãn hiệu cho sản phẩm giày dép mình sản xuất thì sẽ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Coca-Cola của công ty Coca-Cola.

Tuy rằng các sản phẩm của bạn không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu nổi tiếng của công ty Coca-Cola (Nhóm 32: bia; nước khoáng, nước ga và các loại đồ uống không có cồn; đồ uống hoa quả và nước ép hoa quả; xi rô và các chế phẩm khác để làm đồ uống) nhưng việc bạn sử dụng nhãn hiệu Coca-Cola cho sản phẩm của mình có khả năng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa rằng đây là giày dép do công ty Coca-Cola sản xuất hoặc nhầm lẫn về mối quan hệ giữa cơ sở sản xuất của bạn và công ty Coca-Cola.

Từ phân tích ở trên, ta thấy, nếu bạn lấy Coca-Cola làm nhãn hiệu cho sản phẩm giày dép của mình, nếu bị công ty Coca-Cola phát hiện sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp, và bạn có nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc bị khởi kiện dân sự. Do đó chúng tôi khuyên bạn không nên lấy Coca-Cola làm nhãn hiệu cho sản phẩm giày dép của mình.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Các bài viết liên quan:

Phân biệt cơ chế bảo hộ nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý

Đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 0919.089.888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)