Vay tiền là một trong những hình thức phổ biến để doanh nghiệp huy động vốn. Doanh nghiệp có thể huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, cá nhân…Từ thực tiễn tư vấn cho các doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp còn khá lúng túng khi vay tiền của cá nhân. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung giải đáp câu hỏi “Công ty có được vay tiền của cá nhân không?”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015

– Luật Doanh nghiệp 2020

Công ty có được vay tiền của cá nhân không?
Công ty có được vay tiền của cá nhân không?

II. HỢP ĐỒNG CÔNG TY VAY TIỀN CỦA CÁ NHÂN LÀ GÌ?

Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Từ quy định trên, hợp đồng công ty vay tiền của cá nhân là sự thỏa thuận giữa công ty với cá nhân, theo đó, cá nhân (bên cho vay) giao tiền cho công ty (bên vay); công ty phải hoàn trả tiền cho cá nhân khi đến hạn và phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

III. CÔNG TY CÓ ĐƯỢC VAY TIỀN CỦA CÁ NHÂN KHÔNG?

Theo quy định của Bộ luật dân sự, tổ chức, cá nhân đều có thể trở thành bên vay, bên cho vay trong hợp đồng vay tài sản hay cụ thể là vay tiền. Với tư cách là một luật chung, Bộ luật dân sự không giới hạn doanh nghiệp vay tiền của tổ chức cũng như cá nhân. Luật Doanh nghiệp cũng không cấm công ty vay tiền của cá nhân, tổ chức mà chỉ giới hạn những trường hợp phải chấp thuận giao dịch vay, trao quyền định đoạt cho chính công ty. Cụ thể:

2.1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên vay tiền của cá nhân

Trường hợp Công ty TNHH hai thành viên trở lên vay tiền của cá nhân, giao dịch vay tiền giữa công ty với các cá nhân sau phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:

– Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty; Người có liên quan của những người này.

– Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ; Người có liên quan của những người này.

Trong đó, người liên quan là cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp nêu tại khoản 23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung làm rõ vấn đề công ty vay tiền của cá nhân, do vậy, người liên quan bao gồm các cá nhân sau:

– Người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;

– Người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;

– Cá nhân hoặc nhóm cá nhân có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;

– Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;

– Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

– Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của: công ty mẹ; công ty con; tổ chức hoặc nhóm tổ chức chi phối hoạt động của doanh nghiệp công ty.

2.2. Công ty TNHH một thành viên vay tiền của cá nhân

Đối với Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, nếu Điều lệ công ty không có quy định gì khác, hợp đồng vay tiền của công ty với những người sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên chấp thuận:

– Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;

– Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; Người có liên quan của những người này;

– Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó; Người có liên quan của những người này;

Hợp đồng với những người nêu trên chỉ được chấp thuận khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Các bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch là những chủ thể pháp lý độc lập, có quyền, nghĩa vụ, tài sản và lợi ích riêng biệt;

– Giá sử dụng trong hợp đồng hoặc giao dịch là giá thị trường tại thời điểm hợp đồng được ký kết hoặc giao dịch được thực hiện;

– Chủ sở hữu công ty tuân thủ đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 77 của Luật Doanh nghiệp.

2.3. Công ty cổ phần vay tiền của cá nhân

Đối với công ty cổ phần, hợp đồng vay tiền của công ty với các cá nhân sau cần phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:

– Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;

– Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ.

Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng vay có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.

Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng, giao dịch vay có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó; Hợp đồng, giao dịch vay có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác tại Điều lệ công ty.

Như vậy, công ty hoàn toàn có thể vay tiền của cá nhân. Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp cần phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền tại công ty thì hợp đồng, giao dịch vay đó phải được cơ quan có thẩm quyền tại công ty chấp thuận.

Bài viết cùng chủ đề:

Có được thế chấp cổ phần để vay tiền không?

Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô về câu hỏi Công ty có được vay tiền của cá nhân không để quý khách hàng tham khảo. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này