Kinh doanh thuốc là một trong những lĩnh vực kinh doanh rất phổ biến hiện nay. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định. Vậy, cá nhân muốn mở quầy thuốc cần đáp ứng điều kiện gì? Có bằng trung cấp dược đã có thể mở quầy thuốc chưa? Luật Thành Đô xin tư vấn như sau: 

Câu hỏi: Tôi có bằng trung cấp dược. Sau đó, tôi có 1 năm làm việc ở khoa dược tại bệnh viện và 1 năm làm việc tại một nhà thuốc tư nhân. Nay tôi muốn mở một quầy thuốc tại xã. Vậy tôi đã đủ điều kiện để được mở quầy kinh doanh thuốc chưa? 

Luật sư trả lời:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Dược số 105/2016/QH13;

– Nghị định số 54/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược;

– Nghị định số 155/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế;

– Thông tư số 03/2016/TT-BYT Quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu.

Điều kiện bằng cấp khi mở quầy thuốc
Điều kiện bằng cấp khi mở quầy thuốc

II. CÓ BẰNG TRUNG CẤP DƯỢC CÓ ĐƯỢC MỞ QUẦY THUỐC KHÔNG?

Theo điểm đ khoản 1 điều 31 Luật Dược 2016, cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Như vậy, quầy thuốc là một hình thức bán lẻ thuốc.

Theo tại khoản 2 Điều 18 Luật Dược 2016, điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc được quy định cụ thể như sau:

– Có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (Bằng dược sỹ), bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược; 

– Có 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp. Căn cứ quy định tại điều 3 Nghị định 54/2017/NĐ-CP thì trường hợp thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại các cơ sở.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn đã có bằng trung cấp dược và tổng cộng 2 năm thực hành tại cơ sở dược. Do đó bạn đã đáp ứng đủ điều kiện để có thể mở quầy thuốc.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 điều 11 Luật Dược, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược phải có chứng chỉ hành nghề dược. Do vậy, khi muốn mở quầy thuốc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc đã đáp ứng đủ điều cần tiến hành thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề dược. Thủ tục này sẽ được trình bày chi tiết tại mục III của bài viết. 

III. THỦ TỤC XIN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC KHI MỞ QUẦY THUỐC 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ điều 24 Luật Dược 2016 và điều 3 nghị định 54/2017/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược gồm có: 

– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP , 02 ảnh chân dung cỡ 4 cm x 6 cm của người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng;

– Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn. Đối với các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy công nhận tương đương của cơ quan có thẩm quyền về công nhận tương đương;

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thời gian thực hành theo quy định tại Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP. Trường hợp thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại các cơ sở nhưng phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành của từng cơ sở đó;

– Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;

– Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận hiện không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ

Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược nộp hồ sơ đến Sở Y Tế

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp, người đứng đầu cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề dược cấp Chứng chỉ hành nghề dược; trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Bên cạnh điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc, muốn mở quầy thuốc cần đáp ứng thêm những điều kiện khác quy định tại điều 7 Thông tư 03/2016/TT-BYT như sau:

* Về cơ sở vật chất:

– Có địa điểm cố định, diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 25 m2, riêng biệt; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm, bảo đảm phòng chống cháy nổ; phải có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu.

– Có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt, độ ẩm, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng.

* Về nhân sự:

– Có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất có một người trình độ từ dược tá trở lên

– Tất cả nhân viên phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn chuyên môn, cập nhật những quy định mới của nhà nước về bảo quản, quản lý dược liệu.

* Về các dược liệu được bán:

Cơ sở bán lẻ chỉ được bán các dược liệu được mua tại các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh dược liệu; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có bao bì, ghi nhãn; không được bán các dược liệu có độc tính chưa qua chế biến.

Bài viết cùng chủ đề:

Có bằng trung cấp dược có được mở quầy thuốc không?

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề Có bằng trung cấp dược có được mở quầy thuốc được không? Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này