Hiện nay, trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao, các cơ sở thẩm mỹ tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng với nhiều hình thức đa dạng như bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Trong đó, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là hình thức phổ biến được lược chọn để cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoạt động trái phép đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Thông qua bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ cung cấp các thông tin cần thiết hỗ trợ bạn đọc có nhu cầu mở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nhưng chưa nắm bắt được các điều kiện cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ 

Điều kiện cấp giấy phép phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ
Điều kiện cấp giấy phép phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ

1. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

– Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

– Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/ 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh;

– Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;

– Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

– Văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA THẨM MỸ:

2.1. Điều kiện về cơ sở vật chất:

Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có địa điểm cố định và đáp ứng các điều kiện:

– Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

– Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

2.2. Điều kiện về trang thiết bị y tế:

– Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

– Ngoài ra, phòng khám còn phải có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

2.3. Điều kiện về nhân lực:

a) Người trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật:

Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đáp ứng các điều kiện sau:

– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

– Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải được thể hiện bằng văn bản;

– Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

b) Nhân sự khác:

– Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công;

– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ sẽ căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề để phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn;

– Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;

– Cử nhân X-Quang có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X-Quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;

– Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

Trên đây là bài viết về điều kiện cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ của Luật Thành Đô. Trường hợp có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được tư vấn và sử dụng dịch vụ. Với đội ngũ Luật sư nhiều kinh nghiệm, chúng tôi tin tưởng sẽ làm Quý khách hài lòng khi sử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô.

Bài viết liên quan:

Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa 2023

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa 2023

Đánh giá bài viết này