- Chuyên mục: Tin tức
- Ngày đăng: 08/12/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Từ xa xưa, du học tại nước ngoài, tìm hiểu những vùng đất mới luôn là ước mơ của biết bao thế hệ học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu này càng phát triển mạnh mẽ và đã trở thành một xu hướng tại Việt Nam, kéo theo đó là sự ra đời của các doanh nghiệp, trung tâm tư vấn du học phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên để thành lập trung tâm tư vấn du học thì yêu cầu bắt buộc và quan trọng nhất là phải có nhân viên trực tiếp tư vấn du học, vì vậy để Quý độc giả có thể hiểu rõ hơn về nhân viên trực tiếp tư vấn du học, Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: “Điều kiện của nhân viên trực tiếp tư vấn du học”
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật doanh nghiệp năm 2020;
– Luật giáo dục năm 2019;
– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP/Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP/Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT/Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. NHÂN VIÊN TRỰC TIẾP TƯ VẤN DU HỌC LÀ GÌ?
Nhân viên trực tiếp tư vấn du học là những người làm việc tại trung tâm tư vấn du học trực tiếp chịu trách nhiệm định hướng, giải đáp các thắc mắc của phụ huynh, học sinh về các vấn đề liên quan đến hoạt động du học ở nước ngoài cụ thể:
– Hỗ trợ phụ huynh, học sinh tìm kiếm môi trường du học phù hợp;
– Cung cấp thông tin về thủ tục nhập học, làm visa cho học sinh khi đi du học, môi trường sống, tình hình thực tế tại nước ngoài để học sinh có hiểu biết nhất định;
– Hỗ trợ tìm hiểu về chế độ tại trường học, học phí, phí ăn ở đi lại tại nước ngoài cho các học sinh khi sinh hoạt, học tập tại nước ngoài;
– Là một trong các đầu mối liên hệ khi học sinh có sự cố tại nước ngoài;
– Trực tiếp hỗ trợ, đào tạo cho học sinh những kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể học tập tại nước ngoài.
III. ĐIỀU KIỆN CỦA NHÂN VIÊN TRỰC TIẾP TƯ VẤN DU HỌC
Nhân viên trực tiếp tư vấn du học là người chịu trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn, quản lý du học sinh trước và sau khi học viên đi tham gia học tập tại nước ngoài. Vì vậy, nhân viên trực tiếp tư vấn du học cần đáp ứng các điều kiện nhất định để đảm bảo có đầy đủ năng lực, kiến thức cần thiết khi tư vấn cho học sinh, sinh viên đi du học ở nước ngoài.
Khoản 3 điều 107 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP về điều kiện đầu tư hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quy định điều kiện của nhân viên trực tiếp tư vấn du học như sau:
“3. Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Theo quy định này, Nhân viên trực tiếp tư vấn du học của trung tâm tư vấn du học phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Nhân viên tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên: Pháp luật không quy định cụ thể về bằng đại học ở trường đại học nào, lĩnh vực nào, vì vậy chỉ cần nhân viên có tốt nghiệp đại học ở tất cả các trường đại học trên cả nước đều có thể làm nhân viên trực tiếp tư vấn du học;
– Có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương: Điều kiện về ngoại ngữ là một trong những điều kiện quan trọng nhất của nhân viên trực tiếp tư vấn du học, bởi lẽ họ sẽ phải làm việc trực tiếp với các đối tác ở nước ngoài về việc học tập, sinh hoạt của du học sinh ở nước ngoài, do đó ngoại ngữ là điều kiện rất quan trọng đối với các nhân viên trực tiếp tư vấn du học. Thông thường các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật và các ngoại ngữ khác sẽ được quy đổi tương đương theo chuẩn tại khung năng lực 6 bậc của Việt Nam, cụ thể tiếng Anh trình độ Toeic từ 625 điểm trở lên, IELTS từ 5.0 trở lên; tiếng Nhật từ N3 trở lên;…
– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học là chứng nhận của cơ quan nhà nước về việc nhân viên trực tiếp tư vấn du học đã hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Học viện quản lý giáo dục cấp sau khi tham gia và tốt nghiệp khóa đào tạo. Về khóa học này, Học viện quản lý giáo dục sẽ tổ chức đào tạo định kỳ hàng tháng sẽ có 01 khóa học trong vòng 15 ngày và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học cho học viên khi thông qua kỳ thi tốt nghiệp.
Trên đây là toàn bộ điều kiện của nhân viên trực tiếp tư vấn du học. Nếu Quý độc giả còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục này, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải quyết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn