Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương và đời sống cộng đồng sống gần rừng.

Do vậy, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ ̣và phát triển rừng phòng hộ, đặc biệt quy định cụ thể về nguyên tắc, điều kiện khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ sao cho hiệu quả và hợp lí. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân còn chưa nắm rõ các quy định này dẫn đến vẫn xảy ra tình trạng khai thác không đúng với sản lượng và phương thức luật định. Để làm rõ hơn về điều kiện khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, Luật Thành Đô xin tư vấn thông qua bài viết sau: “Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ”

Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ
Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14;

– Nghị định số 156/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. RỪNG PHÒNG HỘ LÀ GÌ?

Về khái niệm và chức năng, căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Về phân loại, rừng phòng hộ bao gồm:

(1) Rừng phòng hộ đầu nguồn: nhằm tăng cường khả năng điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng hồ và khu vực hạ du.

(2) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay: nhằm giảm cường độ gió, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, khu đô thị, vùng sản xuất và các công trình khác

(3) Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển: nhằm ngăn cản sóng, chống sạt lở, bảo vệ đê và các công trình ven biển, ven sông, duy trì diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái.

(4) Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường: góp phần điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan ở khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, kết hợp phục vụ du lịch, nghỉ ngơi.

Bài viết cùng chủ đề:

Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

III. QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KHAI THÁC LÂM SẢN TRONG RỪNG PHÒNG HỘ

Lâm sản có thể hiểu là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến.

Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn tiến hành khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải tuân thủ các nguyên tắc như:

– Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ không được làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

– Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật

Đồng thời, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các quy định cụ thể về điều kiện và phương thức được quy định tại Điều 55 Luật lâm nghiệp năm 2017 và Điều 20 Nghị định 156/2018/NĐ-CP như sau:

a) Đối với khai thác gỗ rừng tự nhiên

* Đối tượng: Rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.

* Điều kiện: có phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đối với khai thác cây đứng ở nơi có mật độ lớn hơn mật độ quy định chỉ thực hiện trong thời gian mở cửa rừng

* Phương thức khai thác: đối với khai thác cây đứng thực hiện theo phương thức khai thác chọn với cường độ không quá 20% trữ lượng; rừng sau khi khai thác độ tàn che phải lớn hơn 0,6.

b) Đối với khai thác ngoài gỗ trong rừng tự nhiên

* Đối tượng:

– Được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ;

– Được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

– Được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.

* Điều kiện: phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, sản lượng loài khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của loài đó; sau khi khai thác không làm ảnh hưởng chức năng phòng hộ của rừng;

* Phương thức khai thác: do chủ rừng tự quyết định

c) Đối với khai thác gỗ rừng trồng

* Đối tượng:

– Được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định;

– Được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng;

– Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

* Điều kiện: chủ rừng phải lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

* Phương thức khai thác: Khai thác tỉa thưa cây trồng chính phải bảo đảm mật độ còn lại ít nhất 600 cây/ha và phân bố đều trong lô. Khai thác chọn cây trồng chính cường độ không quá 20% trữ lượng. Khai thác trắng theo băng thì chiều rộng băng không quá 30 m; khai thác trắng theo đám thì diện tích đám không quá 3 ha, tổng diện tích khai thác hằng năm không vượt quá 20% tổng diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ.

d) Đối với khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng

* Đối tượng: cây gỗ trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phục vụ công tác đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học

* Điều kiện: phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác; dự án lâm sinh; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về điều kiện khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này