Khi nhắc đến kinh doanh đa cấp nhiều người thường có những ấn tượng không tốt do trước đó đã có những hình thức đa cấp biến tướng lừa đảo người dân. Tuy nhiên, kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật Việt Nam. Vậy điều kiện để kinh doanh đa cấp là gì, trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Đầu tư năm 2020

– Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

– Thông tư 156/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Điều kiện kinh doanh đa cấp theo quy định hiện hành
Điều kiện kinh doanh đa cấp theo quy định hiện hành

II. KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP LÀ GÌ?

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP định nghĩa:

“Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.”

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020. Trong đó có ngành, nghề Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp.

Như vậy, để kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp, thương nhân cần đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật và phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

III. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH BÁN HÀNG ĐA CẤP

Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện cụ thể:

(1) Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

(2) Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

(3) Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

(4) Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định;

(5) Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định;

(6) Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp;

(7) Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm các tài liệu (có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp) sau đây:

(1) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

(2) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

(3) 01 bản danh sách kèm theo bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp lệ (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu và giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam; hộ chiếu đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam) của những người nêu tại mục (3) phần III.

(4) 02 bộ tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm:

– Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

– Kế hoạch trả thưởng;

– Chương trình đào tạo cơ bản;

– Quy tắc hoạt động.

(5) 01 bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có), giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng.

(6) 01 bản chính văn bản xác nhận ký quỹ.

(7) Tài liệu giải trình kỹ thuật về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định.

(8) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có trang thông tin điện tử đáp ứng quy định.

(9) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nộp 01 bộ hồ sơ nêu trên (kèm theo bản điện tử định dạng “.doc” và “.xls”) tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện)

Bước 3: Nộp phí thẩm định

Phí thẩm định: 5.000.000 đồng/01 lần thẩm định.

Lưu ý: Bộ Công Thương trả lại hồ sơ nếu doanh nghiệp không nộp phí thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo.

Bước 4: Nhận kết quả

Thời hạn giải quyết: 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp phí thẩm định.

Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp 2021

Bán lẻ thuốc lá có cần xin giấy phép không?

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Điều kiện kinh doanh đa cấp, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết này