- Chuyên mục: Tư vấn luật hôn nhân
- Ngày đăng: 14/07/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Tự nguyện kết hôn là gì?
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Luật HN&GĐ 2014 quy định:
“Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;”
Sự tự nguyện kết hôn của hai bên nam, nữ là một điều kiện được pháp luật quy định.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ.”
Như vậy, tự nguyện kết hôn được hiểu là việc hai bên nam, nữ tự mình quyết định việc kết hôn và thể hiện ý chí là mong muốn trở thành vợ, chồng của nhau. Mỗi bên nam, nữ không bị tác động bởi bên kia, của bất kỳ người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Sự thể hiện ý chí phải thống nhất với ý chí.
Hai bên nam, nữ mong muốn trở thành vợ, chồng xuất phát từ tình yêu thương giữa họ và nhằm mục đích là cùng xây dựng gia đình; sự tự nguyện kết hôn của bên nam, nữ trong việc kết hôn phải thể hiện rõ là họ mong muốn được gắn bó với nhau, cùng nhau chung sống suốt đời nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai người. Sự tự nguyện của các bên trong việc kết hôn là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hôn nhân có thể tồn tại lâu dài bền vững.
Dựa vào quy định pháp luật, để đảm bảo việc kết hôn hoàn toàn tự nguyện thì những người kết hôn sẽ không được kết hôn khi:
– Vắng mặt một bên hoặc thông qua người đại diện.
– Khi mất năng lực hành vi dân sự, đang trong tình trạng say rượu, bia.
Do đó, các bên phải muốn kết hôn phải thông qua thủ tục đăng kí kết hôn. Để đảm bảo việc kết hôn hoàn toàn tự nguyện, hai bên nam nữ phải cùng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền về đăng kí kết hôn, nộp tờ khai đăng ký kết hôn, ngày mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đăng kí kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn thì cả hai bên nam và nữ vẫn phải có mặt.

Những trường hợp vi phạm sự tự nguyện kết hôn
Cưỡng ép kết hôn
Căn cứ Khoản 9, Điều 3 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.”
Theo Điểm 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định: “Cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cả hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ”. Theo đó, hành vi cưỡng ép kết hôn có thể do một trong hai người kết hôn thực hiện đối với người kết hôn kia hoặc có thể là hành vi của cha mẹ hay người khác mà người bị cưỡng ép kết hôn lệ thuộc về vật chất hay tinh thần.
Hành vi cưỡng ép kết hôn được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác làm cho người bị cưỡng ép hoàn toàn không thể có sự lựa chọn nào khác nên phải kết hôn với người mà họ không mong muốn kết hôn.
Lừa dối kết hôn
Căn cứ Khoản 3, Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: “Lừa dối kết hôn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.”
Hơn nữa, Điểm b, Khoản 1 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định về hành vi lừa dối kết hôn như sau: “Một bên lừa dối (ví dụ: lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu…) nên bên bị lừa dối đã đồng ý kết hôn”.
Theo đó, các hành vi lừa dối kết hôn là lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu…
Cản trở kết hôn
Theo Điểm 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định: “Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đút quan hệ hôn nhân đó.”
Hành vi cản trở tự nguyện kết hôn, tiến bộ được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác. Như vậy, có thể thấy ngược lại với cưỡng ép kết hôn, cản trở kết hôn chỉ có thể là hành vi của người thứ ba mà không phải là hành vi của chủ thể kết hôn bởi vì bản chất của việc cản trở kết hôn là không cho phép người kết hôn được xác lập quan hệ hôn nhân mặc dù họ có đủ điều kiện kết hôn.
Tóm lại, sự tự nguyện của các bên trong việc kết hôn phải xuất phát từ tình yêu chân chính giữa họ, đồng thời sự tự nguyện của nam, nữ trong việc kết hôn là nhằm xây dựng gia đình và cùng nhau chung sống lâu dài, không bị tác động bởi bất kì yếu tố nào.
Bài viết cùng chủ đề:
Đăng ký khai sinh cho con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn