- Chuyên mục: Tin tức
- Ngày đăng: 13/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Giấy phép lao động cho người nước ngoài là chủ đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Trong tình hình dịch bệnh Covid, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ta cũng đang thiếu hụt các vị trí quản lý, chuyên gia, giám đốc điều hành ở các công trình trọng điểm.
Thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị định 152/2020/NĐ-CP về quản lí người lao động nước ngoài tại Việt Nam đang gây ra gánh nặng đáng kể đối với các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân bởi những quy định còn khắt khe về trình độ, năng lực chuyên môn của người nước ngoài, tài liệu chứng minh chuyên gia…
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, Nghị quyết Chính phủ số 105/NQ – CP ban hành ngày 9 tháng 9 năm 2021 đã thay đổi một số quy định Nghị định 152/2020/NĐ – CP. Cụ thể các quy định được nới lỏng như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
– Nghị quyết số 105/NQ-CP Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid 19
– Nghị định số 152/2020/NĐ-CP Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
II. NỚI LỎNG ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
2.1. Nới lỏng quy định về điều kiện đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam
* Đối với chuyên gia là người lao động nước ngoài
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định chuyên gia là người lao động nước ngoài phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Nghị quyết số 105/NQ-CP đã bỏ yêu cầu “có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo”, thay vào đó chỉ yêu cầu chuyên gia nước ngoài “Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”
* Đối với lao động kĩ thuật là người lao động nước ngoài
Quy định tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP: “Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo” được Nghị quyết số 105/NQ-CP sửa đổi thành: “…có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”.
2.2. Nới lỏng quy định về hồ sơ chứng minh chuyên gia/lao động kĩ thuật
Điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ chứng minh là chuyên gia/ lao động kĩ thuật phải có bằng cấp, chứng chỉ, văn bản xác nhận của công ty nước ngoài về số năm kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nghị quyết mới đã có sự linh hoạt hơn về việc cung cấp hồ sơ, mở rộng thêm về giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kĩ thuật:
Một là, bổ sung giấy chứng nhận về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kĩ thuật. Theo đó có thể hiểu, hiện nay, các loại giấy chứng nhận như giấy chứng nhận tốt nghiệp, chứng nhận kĩ thuật… đều được chấp nhận.
Hai là, bổ sung trường hợp giấy phép lao động đã được cấp được xem là giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kĩ thuật trong hồ sơ xin cấp giấy phép lao động.
Bên cạnh đó, bản sao hộ chiếu đối với hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị cấp giấy và đề nghị gia hạn giấy phép phép lao động hiện không còn yêu cầu phải chứng thực.
2.3. Nới lỏng quy định về cử, điều động, biệt phái lao động nước ngoài
Nghị định 152/2020/NĐ-CP không đề cập về trường hợp cử, điều động, biệt phái đến làm việc tại thành phố khác. Thực tế, Sở Lao động của một số tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện cấp mới giấy phép lao động tại tỉnh, thành phố nơi người nước ngoài chuyển đến làm việc, điều này gây ra không ít khó khăn và chậm trễ trong việc cấp giấy phép cho người lao động, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, Nghị quyết Chính phủ số 105/NQ- CP quy định:
“Cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 06 tháng và người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.”
Việc nới lỏng một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài như trên nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, được kì vọng sẽ là “chiếc phao” cứu các doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid, góp phần ổn định sản xuất, ổn định nền kinh tế.
Bài viết cùng chủ đề:
Xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài
Thời hạn giấy phép lao động, cách gia hạn giấy phép lao động
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề nới lỏng điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn