Trợ cấp thôi việc là loại quyền lợi quan trọng của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Khoản tiền trợ cấp thôi việc mà người sử dụng lao động thanh toán cho người lao động như một sự ghi nhận công sức đóng góp của người lao động cho người sử dụng lao động trong suốt quá trình làm việc tại đơn vị người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải người lao động nào cũng được hưởng trợ cấp thôi việc mà phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Bài viết dưới đây chúng tôi xin đề cập đến điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc nhằm giúp người lao động biết và hưởng quyền lợi của mình.

I – CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật Lao động năm 2019.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc
Điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc

II – ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP THÔI VIỆC

Trợ cấp thôi việc là do doanh nghiệp chi trả nhưng tùy vào từng căn cứ khác nhau dẫn đến chấm dứt hợp đồng thì người lao động được nhận trợ cấp thôi việc. Theo khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019, điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc được quy định như sau:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1,2,3,4,6,7,9 và 10 Điều 34 Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này”.

Và được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây thì được hưởng trợ trợ cấp thôi việc:

– Hết hạn hợp đồng lao động (Trừ trường hợp phải gia hạn cho người lao động là thành viên Ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng).

– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật.

– Người lao động và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

Qua đó, có thể thấy nếu tổng thời gian của người lao động đủ 12 tháng trở lên nhưng người lao động không làm việc thường xuyên thì có thể không được hưởng trợ cấp thôi việc. Hay không phải cứ người lao động làm việc thường xuyên, liên tục từ 12 tháng trở lên là đều được hưởng trợ cấp thôi việc, cụ thể các trường hợp sau thì người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc:

– Chấm dứt hợp đồng lao động do các nguyên nhân:

+ Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

+ Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do: (i) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; (ii) thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

+ Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

+ Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

– Người lao động bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Vậy khi người lao động đủ điều kiện để nhận trợ cấp thôi việc thì tiền trợ cấp được tính như thế nào? Theo quy định của pháp luật, trợ cấp thôi việc được tính trên cơ sở là thời gian mà người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp.

Cụ thể:

Trợ cấp thôi việc = ½ x Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp x Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi thôi việc

Trong đó: Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp = Tổng thời gian đã làm việc – Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian đã được trả trợ cấp thôi việc

Thời gian tính hưởng trợ cấp sẽ tính theo năm (đủ 12 tháng). Trong trường hợp lẻ tháng thì được làm tròn như sau:

+ Có tháng lẻ ≤ 06 tháng = ½ năm

+ Có tháng lẻ > 06 tháng = 01 năm

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Phân tích các hình thức trả lương cho người lao động

Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc

Khi nào người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc

Như vậy, từ phân tích ở trên, chúng tôi đã chỉ ra được điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc và mức hưởng khoản trợ cấp đó, mong rằng bài viết của chúng tôi đã giúp cho người lao động hiểu rõ hơn về trợ cấp thôi việc cũng như cách tính của loại trợ cấp này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu có bất cứ vướng mắc liên quan, Quý khách vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này