Thuật ngữ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là thuật ngữ được quốc gia sở tại sử dụng để đề cập đến hoạt động đầu tư của các cá nhân, tổ chức đến từ nước khác khi tham gia đầu tư tại quốc gia đó. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về khái niệm này? Bài viết dưới đây của Công ty Luật Thành Đô sẽ giúp độc giả nắm rõ về thuật ngữ này.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Đầu tư năm 2020;

– Luật doanh nghiệp năm 2020;

– Công văn 8909/BKHĐT-PC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/12/2020 về triển khai thi hành Luật Đầu tư 2020;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

II. DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

2.1. Khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Hiểu theo nghĩa rộng, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là các pháp nhân do nhà đầu tư của một quốc gia khác đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn góp và được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ của một quốc gia khác để tiến hành các hoạt động kinh doanh thương mại và đem lại nguồn lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay còn gọi là doanh nghiệp FDI, hay còn được gọi là doanh nghiệp có sự tham gia đầu tư của nước ngoài chính thức được sử dụng trong Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 trước đó gọi là xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo đó thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có các đặc điểm sau:

(i) Doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của nhà đầu tư nước ngoài;

(ii) Được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam trên cơ sở giấy phép đầu tư do cơ quan quản lí nhà nước về đầu tư nước ngoài cấp;

(iii) Có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam;

(iv) Được tổ chức dưới hình thức công ti trách nhiệm hữu hạn

Hiện nay, tại Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, không nêu rõ khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên tại khoản 17 Điều 3 về giải thích từ ngữ có quy định như sau: “ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.” Đồng thời nhà đầu tư nước ngoài được định nghĩa tại khoản 19 điều 3 Luật đầu tư năm 2020 như sau: “ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”. Luật còn định nghĩa, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Như vậy, dựa trên cơ sở của quy định này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có sự tham gia đầu tư của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài nắm giữ. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư (góp vốn thành lập, mua vốn góp).

liên hệ luật sư tư vấn pháp luật
liên hệ luật sư tư vấn pháp luật

2.2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Theo Luật đầu tư 2020, phụ thuộc vào sự lựa chọn hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tiến hành với thủ tục khác nhau.

– Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế:

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Về thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; Có tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định trên này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp này thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác.Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

– Hình thức đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:

Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện: Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư; Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này; Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức:

(1) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

(2) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

(3) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định trên.

Về thủ tục thực hiện, nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp: Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật đầu tư nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế; Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Theo quy định tại Luật đầu tư 2020, thì để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trước khi thành lập công ty. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

(i) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

(ii) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

(iii) Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

(iv) Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

5 lý do nên sử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật Thành Đô về “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” theo quy định của Luật đầu tư năm 2020. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, Qúy khách vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 19001958 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn trực tiếp hoặc để được sử dụng dịch vụ. Luật Thành Đô tin tưởng với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ làm hài lòng Qúy khách hàng.

Bài viết có thể bạn quan tâm:

công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài

công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài

5/5 - (1 bình chọn)