- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 19/01/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Doanh nghiệp FDI kinh doanh tạm nhập tái xuất có được không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trước tình hình mở cửa và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, phải kể đến hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất – hoạt động có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và đang ngày càng phát triển về quy mô lẫn tốc độ trong những năm gần đây.
Vậy, cụ thể hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất này là như thế nào? Liệu doanh nghiệp FDI có được thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất hay không? Để làm rõ vấn đề này, Luật Thành Đô xin giới thiệu đến Quý bạn đọc bài viết: “Doanh nghiệp FDI kinh doanh tạm nhập tái xuất có được không”
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Thương mại năm 2005;
– Luật quản lý ngoại thương năm 2017;
– Luật Đầu tư năm 2020;
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương.

II. KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT LÀ GÌ?
Theo quy định tại Điều 29 Luật Thương mại năm 2005, tạm nhập tái xuất là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
Kinh doanh tạm nhập tái xuất là 01 trong 04 hình thức tạm nhập tái xuất được quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Theo đó, kinh doanh tạm nhập tái xuất là việc thương nhân mua hàng hóa từ một nước đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc từ khu vực hải quan riêng đưa vào nội địa và bán chính hàng hóa đó sang nước, khu vực hải quan riêng khác. Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất này phải được thực hiện theo quy định pháp luật, thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất phải đáp ứng các điều kiện nhất định như điều kiện về giấy phép, về hàng hóa kinh doanh…
Doanh nghiệp FDI kinh doanh tạm nhập tái xuất có được không sẽ được giải đáp như sau:
III. DOANH NGHIỆP FDI KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) được hiểu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp tại nước ngoài. Pháp luật Việt Nam không định nghĩa cụ thể về loại hình doanh nghiệp này, tuy nhiên, khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.
Mặt khác, Luật Đầu tư định nghĩa tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Như vậy, có thể thấy, Luật Đầu tư xác định phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư tại Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi doanh nghiệp FDI.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP:“Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa”.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hay nói cách khác, doanh nghiệp FDI không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa. Doanh nghiệp FDI chỉ được thực hiện việc tạm nhập tái xuất hàng hóa như sau:
– Tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam (trừ hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu);
– Tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài;
– Tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại;
– Tạm nhập hàng hóa để phục vụ đo kiểm, khảo nghiệm;
– Tạm nhập tái xuất linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa tàu biển, tàu bay theo hợp đồng ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam;
– Tạm nhập tái xuất phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức quay vòng;
– Tạm nhập, tái xuất máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của các tổ chức nước ngoài để khám, chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo;
– Tạm nhập, tái xuất dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các đoàn nghệ thuật, đoàn thi đấu, biểu diễn thể thao;
– Tạm nhập, tái xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Bài viết cùng chủ đề:
Doanh nghiệp FDI là gì? Quy trình thành lập doanh nghiệp FDI
Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư tại Việt Nam
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Doanh nghiệp FDI kinh doanh tạm nhập tái xuất có được không?”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn