- Chuyên mục: Tư vấn luật thuế - kế toán
- Ngày đăng: 16/02/2023
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Việc nộp thuế từ lâu vốn đã được xem như là quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và cả các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vây, doanh nghiệp nước ngoài phải nộp những loại thuế gì? Thông qua bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn đọc các khoản thuế mà doanh nghiệp nước ngoài phải nộp khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020;
– Luật Thuế giá trị gia tăng 2008;
– Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007;
– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
– Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP;
– Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài Chính;
– Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Thông tư 219/2013/ TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI PHẢI NỘP NHỮNG LOẠI THUẾ GÌ
Những loại thuế mà doanh nghiệp nước ngoài phải nộp bao gồm:
2.1. Thuế môn bài
– Theo khoản 1 điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài thì mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm;
– Mức thu lệ phí môn bài đối căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài thành lập mới tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã có ưu đãu về việc miễn, giảm thuế môn bài cho các doanh nghiệp mới thành lập, cụ thể:
+ Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với doanh nghiệp nước ngoài thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
+ Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nước ngoài thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài.
2.2. Thuế thu nhập doanh nghiệp
– Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế. Doanh nghiệp nước ngoài là đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm:
+ Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
+ Thu nhập khác: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.
– Căn cứ và xác định thu nhập tính thuế:
+ Căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế và thuế suất
+ Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
+ Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.
+ Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế.
2.3. Thuế giá trị gia tăng
– Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dung;
– Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật thuế giá trị gia tăng;
– Căn cứ và cách tính thuế giá trị gia tăng:
+ Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất;
+ Giá tính thuế được quy định như sau:
(1) Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng;
(2) Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu;
(3) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu tặng cho là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này;
(4) Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền cho thuê chưa có thuế giá trị gia tăng;
(5) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế giá trị gia tăng của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm;
(6) Đối với gia công hàng hóa là giá gia công chưa có thuế giá trị gia tăng;
(7) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế giá trị gia tăng. Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị;
(8) Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là giá bán bất động sản chưa có thuế giá trị gia tăng, trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước;
(9) Đối với hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa và dịch vụ hưởng hoa hồng là tiền hoa hồng thu được từ các hoạt động này chưa có thuế giá trị gia tăng;
(10) Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì giá tính thuế được xác định theo công thức quy định.
2.4. Thuế thu nhập cá nhân của người lao động
– Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
– Các khoản thu nhập phải chịu thuế Thu nhập cá nhân bao gồm:
+ Thuế thu nhập đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công;
+ Thuế thu nhập đối với thu nhập từ kinh doạn;
+ Thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn;
+ Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn;
+ Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;
+ Thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng;
+ Thuế đối với thu nhập từ bản quyền;
+ Thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại;
+ Thuế đối với thu nhập khi nhận thừa kế;
+ Thuế thu nhập cá nhân từ nhận quà tặng
Ngoài những loại thuế đã được liệt kê ở trên, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm một số loại thuế khác đối với lĩnh vực kinh doanh cụ thể của mình như: Thuế xuất nhập khẩu, Thuế tài nguyên, Thuế bảo vệ môi trường; Thuế tiêu thụ đặc biệt,…
Bài viết cùng chủ đề:
Tổng đài tư vấn luật thuế, kế toán
Thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Thành Đô cho câu hỏi Doanh nghiệp nước ngoài phải nộp những loại thuế gì? Trong quá trình tìm hiểu về các loại thuế mà Doanh nghiệp nước ngoài cần phải nộp khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, quý khách hàng nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn cụ thể.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn