- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 15/02/2023
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một trong các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp thực hiện chuyển thành loại hình doanh nghiệp khác trong sự tồn tại liên tục của doanh nghiệp.
Như vậy, về mặt thủ tục, doanh nghiệp sẽ phải cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau chuyển đổi. Câu hỏi đặt ra, liệu khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp có phải thay đổi mã số thuế hay không? Luật Thành Đô xin giải đáp vấn đề này cho quý khách hàng thông qua bài viết dưới đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp năm 2020.
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
– Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ
2.1. Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021 Về đăng ký doanh nghiệp quy định có các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sau:
– Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần
– Chuyển đổi công ty TNHH 1 thành viên thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên và ngược lại.
2.2. Mã số thuế là gì?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, mã số thuế của doanh nghiệp chính là mã số doanh nghiệp – là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế, cấu trúc mã số thuế là: N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 – N11N12N13
Trong đó:
– Hai chữ số đầu N1N2 là số phần khoảng của mã số thuế.
– Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.
– Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.
– Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.
– Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.
Mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác.
Mã số thuế 13 chữ số và dấu gạch ngang (-) dùng để phân tách giữa 10 số đầu và 3 số cuối được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.
III. CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP CÓ PHẢI THAY ĐỔI MÃ SỐ THUẾ KHÔNG?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp:
“Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực”.
Các trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động gồm có:
– Doanh nghiệp bị giải thể;
– Doanh nghiệp bị phá sản;
– Doanh nghiệp bị chia trong trường hợp chia lại doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp bị sáp nhập trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp hợp nhất trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp.
Do mã số doanh nghiệp chính là mã số thuế của doanh nghiệp, nên căn cứ vào các quy định trên, có thể khẳng định khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải tiến hành thay đổi mã số thuế vì mã số thuế vẫn còn hiệu lực.
Bài viết cùng chủ đề:
Phân biệt thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng
Phân biệt không chịu thuế và chịu thuế 0%
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có phải thay đổi mã số thuế không. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp về Luật Doanh nghiệp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn