Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên bán cũng như những người tiêu dùng thì pháp luật nước ta đã quy định cụ thể những hành vi nào được xem là vi phạm trong quá trình kinh doanh, sản xuất và mua bán này. Cụ thể đối với hành vi đầu cơ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa thì chủ thể thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định.

Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết về “Hành vi đầu cơ hàng hóa bị xử lý như thế nào”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Văn bản pháp luật khác có liên quan.

Hành vi đầu cơ hàng hóa bị xử lý như thế nào
Hành vi đầu cơ hàng hóa bị xử lý như thế nào

II. HÀNH VI ĐẦU CƠ HÀNG HÓA BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO

2.1. Thế nào là hành vi đầu cơ hàng hóa?

Đầu cơ hàng hóa được hiểu là hành vi mua vét hàng hóa với số lượng lớn nhằm bán lại cho người mua. Đầu cơ hàng hóa từ trước đến nay được nhận định là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng do biến động của giá cả mà đầu cơ hàng hóa còn làm cho hoạt động của thị trường căng thẳng, mất ổn định, gây khó khăn cho việc điều tiết thị trường của Nhà nước.

2.2. Mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa

Hành vi đầu cơ hàng hóa theo quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị xử lý như sau:

– Đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Cụ thể là các hành vi sau đây:

+ Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

+ Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

– Đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

– Đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

– Đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đối với các hành vi vi phạm nêu trên, ngoài hình thức phạt tiền thì người thực hiện các hành vi đầu cơ hàng hóa này còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa đã nêu trên;

+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa đã nêu trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

+ Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ngoài ra, người thực hiện các hành vi đầu cơ hàng hóa còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đầu cơ hàng hóa mà có được.

Như vậy, qua phân tích ở trên có thể thấy đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa. Tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa mà chủ thể thực hiện các hành vi này sẽ bị phạt tiền với các mức khác nhau, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.

Trên đây, là bài viết của Luật Thành Đô về: “Hành vi đầu cơ hàng hóa bị xử lý như thế nào”. Quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết trên, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến các vấn đề xử lý vi phạm về hành vi đầu cơ hàng hóa vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn.

5/5 - (1 bình chọn)