Giấy chứng nhận đầu tư được cấp như thế nào là vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay theo quy định của Luật Đầu tư mới nhất (luật đầu tư năm 2020), tùy thuộc vào từng dự án đầu tư sẽ có thủ tục cấp khác nhau, cụ thể gồm: Dự án đầu tư cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư và dự án đầu tư không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý với thế mạnh là tư vấn xin giấy chứng nhận đầu tư. Trong bài viết này, công ty Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư xin cấp giấy phép với những dự án đầu tư thông thường (không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư).

1. Giấy chứng nhận đầu tư là gì?

Giấy chứng nhận đầu tư (tên đầy đủ là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) là văn bản bằng giấy hoặc là bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Giấy phép này do cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tại cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra còn có tên gọi khác là: Giấy phép đầu tư – Giấy chứng nhận đầu tư có tên tiếng anh viết tắt là IRC (Investment Registration Certificate)

Nhà đầu tư là gì?

Nhà đầu tư được pháp luật quy định là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo quy định tại điều 21 Luật Đầu tư 2020, hiện nay có 5 hình thức đầu tư vào Việt Nam mà nhà đầu tư có thể lựa chọn:

– Hình thức Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

– Hình thức Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

– Hình thức Thực hiện dự án đầu tư.

– Hình thức Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

ảnh mẫu giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp tại Sở Kế Hoạch Đầu tư Hà Nội
Ảnh mẫu giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp tại Sở Kế Hoạch Đầu tư Hà Nội

2. Những trường hợp phải xin giấy chứng nhận đầu tư

Hiện nay, Điều 37 Luật Đầu tư quy định: Các trường hợp thực hiện thủ tục cấp xin cấp phép đầu tư bao gồm:

Thứ nhất, dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế thuộc các trường hợp sau:

(1) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế mà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác

(2) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế mà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác

(3) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Ba trường hợp trên, dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong 03 trường hợp sau:

– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

– Có tổ chức kinh tế quy như trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế như trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Những trường hợp nào không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư?

Khoản 2 điều 37 Luật Đầu tư quy định: Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:

Thứ nhất, Dự án của nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, Các nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Thứ ba, Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế không thuộc 03 trường hợp sau đây sẽ thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC:

– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh

– Có tổ chức kinh tế quy như trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế như trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

3. Điều kiện xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Để tiến hành đề nghị cấp giấy chứng nhận, các nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

Điều kiện 1: Dự án đầu tư không được thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều kiện 2: Nhà đầu tư có địa điểm thực hiện dự án đầu tư hợp pháp.

Điều kiện 3: Dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch

(tham khảo thêm quy định tại khoản 3 điều 33 Luật Đầu tư 2020)

Điều kiện 4: Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có)

Điều kiện 5: Đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Liên hệ đơn vị có kinh nghiệm tư vấn xin cấp phép
Liên hệ đơn vị có kinh nghiệm tư vấn xin cấp phép

4. Thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Nhà đầu tư khi có nhu cầu xin cấp phép trong trường hợp này cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh gồm các giấy tờ dưới đây và nộp hồ sơ tới có quan có thẩm quyền cấp (Tham khảo thêm bài viết: Thẩm quyền cấp phép đầu tư hoặc mục 5 bài viết này):

(1) Nhà đầu tư cần chuẩn bị Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (theo mẫu)

(2) Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư – Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (Áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư là cá nhân); Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Áp dụng đối với trường hợp nhà đầu tư là pháp nhân).

(3) Nhà đầu tư chuẩn bị bản Đề xuất dự án đầu tư (quy mô, vốn,…)

(4) Bản sao một trong các tài liệu sau:

– Báo cáo tài chính 02 (hai) năm gần nhất của nhà đầu tư

– Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ

– Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính

– Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư

(5) Chuẩn bị bản Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.

(6) Chuẩn bị bản Giải trình về sử dụng công nghệ nếu dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (theo quy định hiện hành)

(7) Hợp đồng BCC đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng BCC.

(8) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (nếu có).

5. Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là Sở Kế hoạch và Đầu tư

– Địa chỉ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội: Số 258 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

– Địa chỉ Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh: Số 32 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra nhà đầu tư cần chú ý thẩm quyền trong các trường hợp đặc biệt sau:

– Đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì thẩm quyền cấp thuộc về Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đó.

– Đối với dự án đầu tư thực hiện tại 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế thì thẩm quyền thuộc về cơ quan (ban quản lý/Sở kế hoạch và đầu tư) nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư.

6. Chi tiết thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Sau khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện nêu trên và đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ như hướng dẫn, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền (nơi nhà đầu tư dự kiến đặt trụ sở chính)

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Cơ quan đăng ký đầu tư tiến hành thẩm định hồ sơ

Bước 3: Thông báo sửa đổi bổ sung (trong trường hợp phải sửa đổi bổ sung hồ sơ)

Nếu hồ sơ cần phải sửa đổi, bổ sung thì Cơ quan đăng ký đầu tư gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho Nhà đầu tư (gửi thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc) kể từ ngày Cơ quan đăng ký đầu tư nhận hồ sơ của Nhà đầu tư.

Bước 4: Trả kết quả (trong trường hợp KHÔNG phải sửa đổi bổ sung hồ sơ)

Trường hợp sau khi thẩm định xét thấy đủ điều kiện, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhậm đầu tư cho Nhà đầu tư. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

7. Lệ phí xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Lệ phí là khoản tiền được ấn định, các tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí.

Hiện nay, thủ tục cấp phép được quy định tại Luật đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan không quy định về lệ phí. Do đó nhà đầu tư khi xin giấy chứng nhận đầu tư không phải nộp lệ phí.

Luật sư tư vấn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Luật sư tư vấn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư

8. Những việc cần làm sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư

8.1 Thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam

Sau khi được cấp phép, nhà đầu tư cần tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp:

Giấy chứng nhận đầu tư là yêu cầu bắt buộc trong thành phần hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên và hai thành viên); công ty hợp danh đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đầu tư năm 2020.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm Giấy chứng nhận đầu tư và các tài liệu cần thiết đối với loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, nhà đầu tư tiến hành nộp 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh tại Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch đầu tư) nơi doanh nghiệp dự kiến đặt trụ sở. Thời hạn thực hiện là 03 -07 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

8.2. Mở tài khoản và nộp lệ phí

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như hướng dẫn trên, nhà đầu tư cần tiến hành đăng ký mở tài khoản. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp mới thành lập phải nộp tờ khai lệ phí môn bài cho Cục thuế theo tờ khai mẫu và nộp lệ phí môn bài theo đúng quy định pháp luật.

8.3. Thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định

Thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định là một trong các nghĩa vụ của nhà đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Tên dự án; Nhà đầu tư; Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng; Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;…

Sau đó, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có thể điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật

9. Nội dung được ghi nhận trên giấy chứng nhận đầu tư

Nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định gồm những thông tin: Tên dự án; Thông tin nhà đầu tư; Mã số dự án; Địa điểm thực hiện, diện tích đầu tư; Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; Vốn đầu tư; Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; Tiến độ thực hiện dự án đầu tư; Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).

Nếu có nhu cầu thay đổi một trong các nội dung trên thì nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

10. Cách phân biệt giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Giấy chứng nhận đầu tư

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khái niệm Là văn bản bằng giấy hoặc là bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Là văn bản bằng bản giấy hoặc bằng bản điện tử ghi nhận những thông tin về đăng ký doanh nghiệp như: Tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, vốn, người đại diện theo pháp luật,…Do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.
Thẩm quyền cấp phép Sở Kế hoạch đầu tư hoặc ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. (Thẩm quyền cụ thể tham khảo tại mục 5 bài viết này) Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Đối tượng đề nghị cấp Là các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện theo quy định. Phần lớn đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam là tổ chức có yếu tố nước ngoài. Là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch đáp ứng điều kiện và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nội dung Nội dung được ghi nhận trên giấy phép bao gồm:

1. Tên dự án đầu tư.

2. Nhà đầu tư.

3. Mã số dự án đầu tư.

4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.

5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.

6. Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).

7. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư

9. Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng.

10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.

Nội dung được ghi nhận trên giấy phép bao gồm:

1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

4. Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.

11. Những vướng mắc thường gặp của nhà đầu tư khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Thẩm quyền cấp phép đầu tư?

Cơ quan có thẩm quyền cấp là Sở Kế hoạch và Đầu tư (Đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì thẩm quyền thuộc về Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đó)

Lệ phí cấp giấy chứng nhận đầu tư là bao nhiêu?

Khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thì nhà đầu tư không phải nộp lệ phí.

Thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư là bao lâu ?

Tùy thuộc vào địa bàn đầu tư và lĩnh vực đầu tư mà cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép cho nhà đầu tư với thời hạn phù hợp với dự án đầu tư.

Dịch vụ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư?

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý, Công ty Luật Thành Đô là đơn vị uy tín trong các lĩnh vực tư vấn pháp lý. Trong đó, dịch vụ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư trọn gói là một trong những lĩnh vực hàng đầu của chúng tôi. Cùng với đội ngũ luật sư uy tín trong lĩnh vực tư vấn đầu tư với kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhiều doanh nghiệp lớn, chúng tôi tự tin với dịch vụ của mình sẽ làm cho Quý khách hàng luôn nhận được sự hài lòng nhất.

4.6/5 - (72 bình chọn)