Một số loại giấy phép lái xe có thời hạn sử dụng. Khi giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng, người lái xe cần phải tiến hành thủ tục đổi giấy phép lái xe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những hồ sơ cần thiết và thủ tục để tiến hành đổi giấy phép lái xe hết hạn. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn nắm rõ hơn về vấn đề này.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

– Thông tư 01/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

– Thông tư 188/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng

Hồ sơ và thủ tục đổi giấy phép lái xe sắp hết hạn
Hồ sơ và thủ tục đổi giấy phép lái xe sắp hết hạn

II. THỜI HẠN CỦA GIẤY PHÉP LÁI XE LÀ BAO LÂU?

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017:

– Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

– Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

– Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

– Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Như vậy, trừ giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 (giấy phép cấp cho người lái xe mô tô hai bánh hoặc ba bánh), các loại giấy phép lái xe còn lại đều có thời hạn sử dụng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT: Người có giấy phép lái xe có thời hạn phải thực hiện việc đổi giấy phép lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng.

Trong trường hợp giấy phép lái xe đã hết thời hạn sử dụng nhưng người lái xe vẫn chưa tiến hành đổi giấy phép lái xe, theo quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT:

– Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng

+ Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;

+ Từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

– Người có giấy phép lái xe bị quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

III. HỒ SƠ ĐỔI GIẤY PHÉP LÁI XE SẮP HẾT THỜI HẠN

Theo quy định tại Điều 38 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi Thông tư 01/2021/TT-BGTVT), hồ sơ đổi giấy phép lái xe bao gồm:

(1) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu

(2) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định

(3) Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

IV. THỦ TỤC ĐỔI GIẤY PHÉP LÁI XE SẮP HẾT HẠN

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người có giấy phép lái xe sắp hết hạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người có giấy phép lái xe sắp hết hạn có thể chọn một trong hai cách nộp hồ sơ sau:

– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

Khi nộp hồ sơ trực tiếp, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các giấy tờ trong hồ sơ để đối chiếu (trừ đơn đề nghị và giấy khám sức khỏe)

– Nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Khi nộp hồ sơ trực tuyến, người lái xe kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai. Khi nhận giấy phép lái xe, người lái xe phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định, cơ quan tiếp nhận sẽ thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho cá nhân trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

Bước 3: Nộp lệ phí

– Cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe khi được tiếp nhận hồ sơ theo quy định

– Khi nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân

Theo Thông tư 188/2016/TT-BTC, lệ phí cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng/lần

Bước 4: Nhận kết quả

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Việc trả giấy phép lái xe được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của người lái xe.

Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giấy phép lái xe được trả cho đúng cá nhân đổi giấy phép lái xe.

Khi đổi giấy phép lãi xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe cắt góc giấy phép lái xe cũ, trả lại cho người lái xe (trừ trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến).

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục xin cấp giấy phép lái xe máy – Quy định mới nhất

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (2 bình chọn)