Một năm trở lại đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 mà không ít người lao động gặp khó khăn trong quá trình làm việc, nhiều lao động phải ngừng việc, chấm dứt hợp đồng do dịch bệnh khiến đời sống lao động trở nên khó khăn. Để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn dịch bệnh này, Chính phủ đã nắm bắt và đề ra các chính sách hỗ trợ người lao động. Vậy các chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào?

Luật Thành Đô xin giới thiệu đến người đọc bài viết: “Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19”.

I. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật lao động 2019;

– Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành.

II. Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19

2.1. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại mục 2.1 Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 thì mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

– Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các đối tượng người lao động này không bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

– Khoản tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19.

Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19
Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19

2.2. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

– Điều kiện để hưởng tạm dừng đóng:

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021.

– Tạm dừng đóng được áp dụng như sau: người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

2.3. Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

– Điều kiện để được hưởng: Người lao động đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; người sử dụng lao động phải thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020;

Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

– Chính sách hưởng: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.

– Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

2.4. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

– Điều kiện hưởng:

+ Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên.

Tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;

+ Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

– Mức hỗ trợ: người lao động đáp ứng các điều kiện nêu trên được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

2.5. Hỗ trợ người lao động ngừng việc

– Điều kiện hưởng:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc do dịch bệnh và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc.

– Mức hưởng: người lao động được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

2.6. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động

– Điều kiện hưởng:

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19

(trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021)

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghhợp.

– Mức hưởng: người lao động được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

2.7. Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em

Đối với chính sách này, các đối tượng được hưởng cụ thể như sau:

– Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha.

– Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

2.8. Hỗ trợ tiền ăn

Đối tượng và mức hỗ trợ cụ thể như sau:

– Đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0): hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/04/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ dựa trên thực tế chữa bệnh nhưng không quá 45 ngày;

– Đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

2.9. Hỗ trợ một lần

– Đối tượng được hưởng:

+ Đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021. Mức hưởng 3.710.000 đồng/người.

+ Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021. Mức hưởng một lần 3.710.000 đồng/người

2.10. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh

– Đối tượng được hưởng: Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID.

– Mức hưởng: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh.

2.11. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

Các trường hợp được hưởng chính sách này như sau:

+ Cho vay trả lương ngừng việc: Điều kiện là người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn

Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên do tình hình dịch bệnh, trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

+ Cho vay trả lương phục hồi sản xuất:

Điều kiện vay:

Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Đồng thời Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Mức vay: người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

2.12. Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác

– Đôi tượng hưởng: lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

– Mức hưởng: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Thủ tục hưởng trợ cấp COVID-19 đối với người lao động thất nghiệp

Khác nhau giữa chỉ thị 15 và chỉ thị 16 về phòng chống Covid19

Trên đây, là bài viết của Luật Thành Đô về “Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19”. Đến với Luật Thành Đô, Quý khách sẽ được tư vấn chi tiết và đồng hành trong suốt quá trình hoạt động của Công ty.

Đánh giá bài viết này