Trợ cấp thôi việc hay trợ cấp thất nghiệp là những loại trợ cấp phát sinh khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Vì đây là khoản trợ cấp trong chế độ bảo hiểm thất nghiệp nên không phải cứ người lao động nào nghỉ việc là đều được hưởng loại trợ cấp này mà phải đáp ứng được các quy định về điều kiện cũng như là thủ tục thì người lao động mới được hưởng loại trợ cấp này. Bài viết dưới đây sẽ giúp người lao động nắm rõ được điều kiện và thủ tục để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

I- CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ Luật lao động năm 2019.

Luật Việc làm năm 2013.

Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị định số 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 29 tháng 5 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015 /NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Điều kiện và thủ tục để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều kiện và thủ tục để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp

II-ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

2.1. Điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về khái niệm trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp là một trong bốn chế độ của bảo hiểm thất nghiệp. Mà theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013:

“Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”. Từ đó có thể hiểu, trợ cấp thất nghiệp là một khoản tiền mà cơ quan bảo hiểm phải trả nhằm hỗ trợ người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, cụ thể:

Thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai, người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này, cụ thể:

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái với quy định pháp luật.

– Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thứ ba,

– Đối với trường hợp, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật việc làm là những hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm có thời hạn và không xác định thời hạn.

– Đối với trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật việc làm, tức là các hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Thứ tư, người lao động đã chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ năm, người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013, thì người lao động không cần đáp ứng điều kiện này, bao gồm:

– Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

– Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

– Chấp hành quyết định áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù;

– Ra ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Chết.

Bản chất của bảo hiểm thất nghiệp nói chung, trợ cấp thất nghiệp nói riêng là nói tới khoản tiền trợ cấp giúp người lao động ổn định đời sống trong thời gian không có thu nhập, chưa tìm được công việc mới. Tuy nhiên để được hưởng khoản trợ cấp này thì người lao động phải đáp ứng những điều kiện trên, đó là những điều kiện về đã đóng bảo hiểm thất nghiệp; chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp thuộc các trường hợp pháp luật cho phép hưởng; nộp hồ sơ đầy đủ để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2.2. Thủ tục để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bước 1: Người lao động chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

* Thành phần hồ sơ: Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm có:

– Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (đơn mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định);

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc/ sa thải/ kỷ luật buộc thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; … (khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP);

– Sổ BHXH.

* Nộp hồ sơ: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động chuẩn bị và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

– Người nộp hồ sơ có thể nộp hồ sơ theo 1 trong 2 hình thức:

+ Nộp trực tiếp

+ Nộp qua đường bưu chính

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ

– Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, làm phiếu hẹn trả kết quả và trao phiếu cho người nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì trung tâm sẽ thông báo, trả lại hồ sơ cho người nộp nêu rõ lý do và yêu cầu hoàn thiện, bổ sung.

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Xem xét những trường hợp không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp và nêu rõ lý do.

Bước 3: Nhận chi trả trợ cấp thất nghiệp

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được tổ chức bảo hiểm thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.

Trong vòng 12 ngày kể từ ngày được hưởng trợ cấp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, người lao động để được nhận trợ cấp thất nghiệp thì phải đáp ứng các điều kiện trên cũng như là hồ sơ cần chuẩn bị cho trình tự thủ tục.

Bài viết cùng chủ đề:

Hưởng trợ cấp COVID-19 đối với người lao động thất nghiệp

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô
Đánh giá bài viết này