Có thể nói trong bối cảnh xã hội ngày nay, an toàn trật tự công cộng là một trong những điều kiện hàng đầu đảm bảo cho con người được sinh sống, học tập, làm việc và phát triển.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các tội phạm xâm phạm đến an toàn trật tự công cộng liên tục xảy ra, gây ảnh hưởng đến đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đến cuộc sống của từng cá nhân và của cả cộng đồng. Nổi bật trong số tội phạm thuộc nhóm đó, có thể kể đến tội gây rối trật tự công cộng – quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015.

Vậy, đối với tội phạm này, thời điểm nào sẽ bị khởi tố hình sự? Ở bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giải đáp vấn đề này cho quý khách hàng.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Khi nào bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng
Khi nào bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng

II. NHƯ THẾ NÀO LÀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG?

Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo đó:

“Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:  sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

– Về mặt chủ thể: chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể hơn, theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, chủ thể của tội này là người đủ 16 tuổi trở lên.

– Về mặt khách thể: khách thể của tội phạm này là an ninh, trật tự, an toàn công cộng.

– Về mặt khách quan:

+ Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi gây rối trật tự công cộng, được thực hiện dưới các hình thức như chửi bới, la hét, đập phá tài sản, xô đẩy người, tạo ra âm thanh ầm ĩ bằng các công cụ khác nhau hoặc mở thiết bị âm thanh quá cỡ…

+ Hậu quả của tội phạm này được quy định là ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như gây ách tắc giao thông, làm gián đoạn hoạt động của cơ quan, tổ chức… Hậu quả này có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” về hành vi này mà chưa được xóa án tích.

– Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội này được quy định là lỗi cố ý, bao gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

III. KHI NÀO BỊ KHỞI TỐ VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG?

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của hoạt động tố tụng hình sự, theo đó, các cơ quan có thẩm quyền xác định sự việc xảy ra có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn khởi tố có vai trò tạo cơ sở cho các hoạt động ở những giai đoạn tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự. 

Theo khoản 1 Điều 432 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định”.

Căn cứ theo 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu của tội phạm dựa vào những căn cứ sau:

– Tố giác của cá nhân: Đây là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền;

– Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Đây là những thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc cơ quan, tổ chức nhận được tố giác tin báo của cá nhân và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền;

– Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Phương tiện thông tin đại chúng gồm có báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình và trang/Cổng thông tin điện tử.

– Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước: Đây là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. 

– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm: Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có nhiều điều kiện phát hiện hành vi vi phạm pháp luật. Một số cơ quan tuy chức năng chính là quản lý nhà nước nhưng cũng có điều kiện phát hiện sự việc phạm tội như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư…

– Người phạm tội tự thú: Đây là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Như vậy, để khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng, trước hết cơ quan có thẩm quyền phải xác định có sự việc phạm tội xảy ra, sau đó xem xét xem liệu sự việc đó có dấu hiệu của tội phạm hay không. Và để xác định dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào các căn cứ quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bài viết cùng chủ đề:

Truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Khi nào bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này