Trên thực tế, khám nghiệm tử thi được thực hiện khi có người chết. Tuy nhiên tùy từng trường hợp mà việc khám tử thi sẽ được thực hiện theo yêu cầu của gia đình người đã chết hay theo quy định của pháp luật. Khi nào được khám nghiệm tử thi? Ai là người có quyền khám nghiệm tử thi? Tất cả những vướng mắc pháp lý khác liên quan sẽ được Luật Thành Đô trả lời tại bài viết này.

I. Cơ sở pháp lý

– Bộ Luật dân sự năm 2015;

– Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015.

khi nao duoc kham nghiem tu thi 1
Khi nào được khám nghiệm tử thi

II. Khái quát chung

1. Khái niệm khám nghiệm tử thi

Khám nghiệm tử thi được hiểu là một phương thức phẫu thuật chuyên môn cao nhằm xét nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết và đánh giá xem có sự tồn tại của bệnh tật hay chấn thương nào trong tử thi hay không.

Trong y học, khám nghiệm tử thi là việc kiểm tra kỹ lưỡng về cơ thể con người sau khi chết xác định sự tồn tại của bệnh tật hay chấn thương trong tử thi.

Về mặt pháp lý, đối với tố tụng hình sự, khám nghiệm tử thi là một bước trong hoạt động điều tra nhằm phát hiện dấu vết tội phạm trên cơ thể nạn nhân là người chết, xác định nguyên nhân cái chết trong việc giải quyết các vụ án có người chết như vụ án về tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay một số trường hợp khác.

2. Các trường hợp được khám nghiệm tử thi

Theo Bộ luật Dân sự 2015, tại Khoản 4 Điều 33 quy định:

“Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;

b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;

c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định”

Theo đó, ta có thể chia việc khám nghiệm tử thi thành 2 loại:

Khám nghiệm tử thi theo yêu cầu. Khám nghiệm tử thi theo yêu cầu được thực hiện khi có sự đồng ý của người đó trước khi chết hoặc có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng không thể tiến hành việc khám nghiệm tử thi khi chưa có yêu cầu.

Khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật. Khám nghiệm tử thi trong trường hợp này đương nhiên được thực hiện theo quyết định của cơ quan chức năng cụ thể là của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định. Khi có căn cứ xác nhận về việc người đó chết bất thường hay chưa thể tìm ra nguyên nhân cái chết thì các chủ thể này được quyền ra quyết định khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết và phục vụ công tác tố tụng theo quy định pháp luật mà không cần bất cứ yêu cầu nào.

III. Quy định của pháp luật về khám nghiệm tử thi

1. Chủ thể có quyền tiến hành việc khám nghiệm tử thi

Căn cứ theo Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự:

“1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.

Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

2. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định”

Theo đó, việc khám nghiệm tử thi được thực hiện bởi giám định viên pháp y dưới sự giám sát của Điều tra viên và có người chứng kiến. Việc khám nghiệm tử thi bắt buộc phải thực hiện dưới sự kiểm sát của Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát cùng cấp. Khám nghiệm tử thi là hoạt động được thực hiện trong giai đoạn điều tra của tố tụng hình sự, tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 quy định chức năng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), VKS có chức năng kiểm sát việc điều tra vụ án hình sự, do đó, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi là việc VKSND thực hiện chức năng hoạt động tư pháp.

Cụ thể theo quy định tại Điều 12 Quy chế tạm thời công thác thực hành quyền công tố, kiếm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định (Ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02 tháng 5 năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên tiến hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có 2 tử thi trở lên, vụ việc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc trong các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải trực tiếp cùng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiếm sát việc khám nghiệm tử thi hoặc Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên cùng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

Giám định viên kỹ thuật hình sự cũng có thể tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.

2. Trình tự, thủ tục tiến hành khám nghiệm tử thi

Khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên, Giám định viên pháp y, Giám định viên kỹ thuật hình sự phải tiến hành chụp ảnh, mô tả đầy đủ dấu vết để lại trên tử thi, chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân chết hoặc truy tìm tung tích của nạn nhân.

Kiểm sát viên phải ghi chép, mô tả đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cụ thể các dấu vết để lại trên tử thi để làm cơ sở xem xét, đối chiếu với biên bản khám nghiệm tử thi.

Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi trôn cất tử thi biết. Kiểm sát viên phải kiểm sát về trình tự, thủ tục, bảo đảm việc khai quật tử thi để khám nghiệm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp có người chết, tùy vào yêu cầu của người đó trước khi chết, yêu cầu của gia đình người chết hay theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, việc khám nghiệm tử thi được thực hiện dưới sự giám sát của Viện kiểm sát. Nhằm tìm ra nguyên nhân cái chết hoặc xác định có sự tồn tại của bệnh tật hay chấn thương trong tử thi hay không. Bên cạnh đó, khám nghiệm tử thi còn đảm bảo cho việc phát hiện, thu giữ những dấu vết, vật chứng một cách chính xác, xác định đúng tính chất, nội dung vụ việc để hoạt động tố tụng được tiến hành một cách hợp lí, hợp pháp, đúng người, đúng tội.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Các bài viết liên quan:

Điều kiện thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất

Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về khi nào được khám nghiệm tử thi. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)