- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 30/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Thông tin về giới tính của cá nhân được xác định ngay từ khi sinh ra và được ghi trong giấy khai sinh. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp việc xác định giới tính ngay từ khi mới sinh là chính xác.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp giới tính thật của cá nhân có sự sai khác so với cấu tạo bên ngoài của cá nhân này. Khi đó, việc xác định lại giới tính rất quan trọng đối với một cá nhân. Tuy nhiên không phải ai cũng biết khi nào thì được xác định lại giới tính, thủ tục để xác định lại giới tính như thế nào. Trong bài viết sau, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời vấn đề này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Dân sự 2015
– Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính
II. KHI NÀO ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép thực hiện việc xác định lại giới tính trong 2 trường hợp sau:
– Khuyết tật bẩm sinh về giới tính: là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
– Giới tính chưa được định hình chính xác: là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
2.1. Tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính
– Nam lưỡng giới giả nữ:
+ Bộ phận sinh dục có dương vật nhỏ, có thể sờ thấy tinh hoàn hoặc không, siêu âm hoặc nội soi thấy tinh hoàn, không có tử cung và buồng trứng;
+ Nhiễm sắc thể giới tính là XY hoặc gen biệt hóa tinh hoàn dương tính hoặc kết hợp cả hai trường hợp trên.
– Nữ lưỡng giới giả nam:
+ Bộ phận sinh dục có âm vật phát triển như dương vật nhưng không sờ thấy tinh hoàn, siêu âm hoặc nội soi thấy có tử cung, buồng trứng, không thấy tinh hoàn;
+ Nhiễm sắc thể giới tính là XX.
– Lưỡng giới thật:
+ Bộ phận sinh dục không xác định được là nam hay nữ. Tuyến sinh dục có cả tổ chức tinh hoàn, buồng trứng;
+ Nhiễm sắc thể giới tính có thể là một trong các dạng XX/XY; XXX/XY; XX/XXXY hoặc các dạng nhiễm sắc thể khác được xác định là lưỡng giới thật.
2.2. Tiêu chuẩn y tế xác định giới tính chưa được định hình chính xác
Nhiễm sắc thể giới tính có thể giống như trường hợp nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn và không thể xác định chính xác là nam hay nữ.
III. THỦ TỤC XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH
Bước 1: Đến các bệnh viện có chức năng để được khám xác định lại giới tính
Các bệnh viên được thực hiện can thiệp y tế để xác định lại giới tính là bệnh viện công lập đa khoa, chuyên khoa ngoại, sản, nhi tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc bệnh viện tư nhân có khoa ngoại và khoa sản hoặc khoa nhi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn về can thiệp y tế để xác định lại giới tính.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết xác định lại giới tính là các cơ sở y tế đáp ứng các điều kiện do Bộ Y tế quy định, được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và được cấp văn bản công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó được phép thực hiện kỹ thuật xác định lại giới tính.
Hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính bao gồm:
– Đơn đề nghị xác định lại giới tính theo mẫu.
Trường hợp xác định lại giới tính cho người chưa đủ 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải có đơn đề nghị.
Trường hợp xác định lại giới tính cho người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trong đơn đề nghị phải có chữ ký của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
– Bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền quyết định về việc thực hiện hoặc không thực hiện việc xác định giới tính
Theo quy định hiện hành, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ xem xét và trả lời bằng văn bản về việc có chấp nhận thực hiện quy trình xác định lại giới tính hay không.
Nếu không chấp nhận phải nêu rõ lý do không chấp nhận trong văn bản trả lời.
Trường hợp chấp nhận đề nghị xác định lại giới tính, cơ quan này sẽ thực hiện quy trình xác định lại giới tính theo luật định, bao gồm việc khám và hội chẩn để có chỉ định phù hợp trong việc điều trị xác định lại giới tính trên cơ sở xem xét nguyện vọng của người đề nghị xác định lại giới tính.
Bước 4: Điều trị xác định lại giới tính
Việc điều trị xác định lại giới tính sẽ được thực hiện trực tiếp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện quy trình khám và chỉ định việc điều trị xác định lại giới tính.
Bước 5: Nhận giấy chứng nhận y tế sau khi xác định lại giới tính
Sau khi thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ cấp giấy chứng nhận y tế cho người được xác định lại giới tính.
Bước 6: Đăng ký lại hộ tịch để ghi nhận giới tính chính xác
Sau khi thực hiện việc xác định lại giới tính như trên, người được xác định lại giới tính sẽ đăng ký thay đổi thông tin hộ tịch về giới tính tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người này cư trú. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
– Giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính sau khi thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp
– Giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám chữa bênh nếu việc can thiệp y tế xác định lại giới tính xảy ra trước ngày 24 tháng 08 năm 2008
– Tờ khai đăng ký thay đổi thông tin hộ tịch theo mẫu.
Khi nộp hồ sơ cần xuất trình:
– Bản chính một trong các giấy tờ sau: Hộ chiếu / Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân / giấy tờ khác có ảnh của người đăng ký
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn