Trong quá trình tham gia giao thông đường bộ thì không thể tránh khỏi những lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ. Vậy không lập biên bản thì có được tạm giữ phương tiện và thời gian tạm giữ là bao lâu? Những thắc mắc pháp lý liên quan sẽ được Luật Thành Đô giải đáp trong bài viết Không lập biên bản có được tạm giữ xe máy không?

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012;

– Thông tư 47/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2014;

– Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2017.

Không lập biên bản có được tạm giữ xe máy không ?
Không lập biên bản có được tạm giữ xe máy không ?

 

II. KHÔNG LẬP BIÊN BẢN CÓ ĐƯỢC TẠM GIỮ XE MÁY KHÔNG ?

Theo quy định tại khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012:

Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm;

trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến.

Theo đó, mọi phương tiện vi phạm bị tạm giữ đều phải lập biên bản, biên bản phải được lập thành 02 bản, giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.

Thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm được quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012:

– Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật này nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật này thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

– Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

– Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TRẢ LẠI PHƯƠNG TIỆN TẠM GIỮ

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2014, trình tự, thủ tục trả lại phương tiện tạm giữ như sau:

– Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

– Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tiến hành các thủ tục sau:

Bước 1: Kiểm tra quyết định trả lại; kiểm tra Chứng minh nhân dân và giấy tờ khác có liên quan của người đến nhận.

Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu những người nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.

Bước 3: Lập biên bản trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Ngoài ra, người vi phạm khi đến nhận lại phương tiện phải thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2014:

– Tang vật, phương tiện bị tạm giữ do vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức bị tịch thu được trả lại cho tổ chức, cá nhân vi phạm thì khi đến nhận lại tang vật, phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP.

– Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện (trong trường hợp tự tổ chức lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ) hoặc tổ chức được cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện thuê để lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện được thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

– Mức phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Ví dụ, mức thu đối với phương tiện bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ ở Hà Nội được quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2017 như sau:

Nội dung thu Đơn vị tính Mức thu
– Xe máy, xe lam đồng/xe/ngày đêm 8.000
– Xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe xích lô đồng/xe/ngày đêm 5.000
– Xe ô tô đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống đồng/xe/ngày đêm 70.000
– Xe từ 10 ghế ngồi trở lên và xe tải trên 2 tấn trở lên đồng/xe/ngày đêm 90.000
5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề Không lập biên bản có được tạm giữ xe máy không:

Đi xe không chính chủ bị phạt như thế nào ?

Khi nào tạm giữ xe máy, thời gian tạm giữ là bao lâu

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Không lập biên bản có được tạm giữ xe máy không? Mọi vướng mắc bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật Thành Đô.

Đánh giá bài viết này