Trong nền kinh tế thị trường, cũng như mọi hoạt động kinh doanh khác, hoạt động của tổ chức tín dụng cũng chứa đựng những nguy cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro trong hoạt động tín dụng có thể gây ra những tác động lan truyền, khiến hệ thống tổ chức tín dụng gánh chịu hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế quốc gia.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần quản lí, hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn bằng cách đặt tổ chức tín dụng đó vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Để hiểu rõ hơn về quy chế kiểm soát đặc biệt này, Luật Thành Đô xin tư vấn cho bạn đọc thông qua bài viết sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017

– Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12

– Thông tư số 11/2019/TT-NHNN Quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Quy định về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng
Quy định về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

II. KHÁI NIỆM VÀ MỤC ĐÍCH CỦA KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

– Về khái niệm, kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng (TCTD) bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.

Có thể thấy, kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng là là biện pháp quản lý Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước áp dụng với TCTD được thực hiện dưới phương thức kiểm soát trực tiếp. Khác với hoạt động giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ do cơ quan giám sát ngân hàng thực hiện thường xuyên đối với mọi TCTD, kiểm soát đặc biệt chỉ được áp dụng với TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.

– Về mục đích, kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ, giúp phục hồi năng lực tài chính và năng lực quản lí cho các TCTD lâm vào tình trạng khó khăn về thanh toán, chi trả, từ đó giảm thiểu đến mức tối đa nguy cơ đổ vỡ của TCTD, bảo đảm an toàn cho hệ thống các TCTD.

Do đó, khi có nguy cơ mất, mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất, mất khả năng thanh toán, TCTD phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thành toán để đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Bài viết cùng chủ đề:

Điều kiện tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại khối

Có được ủy quyền cho người khác thành lập doanh nghiệp

III. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

3.1. Các trường hợp kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

Căn cứ quy định tại khoản 3 điều 145 Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 và hướng dẫn tại Điều 4, Điều 5 Thông tư 11/2019/TT-NHNN, TCTD được xem xét đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước

Trong đó:

– TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả khi thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục;

– TCTD mất khả năng chi trả khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 01 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán;

– TCTD có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 06 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của tổ chức tín dụng thấp hơn 4%;

– TCTD mất khả năng thanh toán khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 03 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.

Trường hợp 2: Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất

Trường hợp 3: Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục

Theo đó, Điểm b Khoản 1 Điều 130 Luật các TCTD quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Trường hợp 4: Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước

3.2. Các hình thức kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

Theo Điều 7 Thông tư 11/2019/TT-NHNN, căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của TCTD, TCTD có thể bị đặt vào một trong hai hình thức kiểm soát đặc biệt sau:

– Giám sát đặc biệt: đặt TCTD dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp từ xa, kiểm tra tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động của TCTD.

– Kiểm soát toàn diện: đặt TCTD dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động hằng ngày của TCTD.

3.3. Trình tự tiến hành kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

– Ra quyết định kiểm soát đặc biệt và thành lập ban kiểm soát đặc biệt

+ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Quyết định kiểm soát đặc biệt ghi rõ tên TCTD, lí do, thời hạn kiểm soát đặc biệt, hình thức kiểm soát đặc biệt, nội dung, phạm vi, biện pháp, công việc kiểm soát hoạt động đối với TCTD, họ tên những thành viên được cử làm nhiệm vụ kiểm soát và nhiệm vụ cụ thể của ban kiểm soát đặc biệt.

+ Ban kiểm soát đặc biệt được thành lập để thực hiện việc giám sát, chỉ đạo định hướng TCTD xây dựng phương án khắc phục, cụ thể có các quyền hạn và nhiệm vụ sau: chỉ đạo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện rà soát điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cắt giảm chi phí; chỉ đạo xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD; tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động kinh doanh của TCTD; đình chỉ, tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát TCTD và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ định người thay thế; yêu cầu miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với người có hành vi vi phạm pháp luật,… cùng các nhiệm vụ, quyền hạn khác.

– Thông báo quyết định kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước thông báo quyết định kiểm soát đặc biệt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan hữu quan trên địa bàn để phối hợp thực hiện.

– Công bố thông tin kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin kiểm soát đặc biệt TCTD bằng cách đăng tài trên các trang thông tin, báo Trung ương hoặc địa phương, họp báo hoặc công bố tai cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Đại hội thành viên của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt cần được cân nhắc kỹ để hạn chế tác động xấu đến uy tín TCTD được kiểm soát đặc biệt cũng như ảnh hưởng lan truyền đối với các TCTD khác.

3.4. Thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

Thời hạn kiểm soát đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong Quyết định kiểm soát đặc biệt.

Trong trường hợp muốn gia hạn kiểm soát đặc biệt, chậm nhất 30 ngày trước khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) xem xét, quyết định gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc kiến nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt.

3.5. Chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng

Theo điều 145b Luật các TCTD sửa đổi 2017, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– TCTD được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn.

– Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, TCTD được kiểm soát đặc biệt được sáp nhập, hợp nhất vào TCTD khác hoặc bị giải thể.

– Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.

TCTD được chấm dứt kiểm soát đặc biệt kể từ thời điểm Quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt có hiệu lực thi hành.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này