- Chuyên mục: Tư vấn luật thuế - kế toán
- Ngày đăng: 22/12/2020
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Để tạo ra nguồn thu nhập, hiện nay, nhiều hộ gia đình đã lựa chọn phương án tự kinh doanh với quy mô nhỏ, vừa thuận lợi cho chủ đầu tư, vừa tránh được những rủi ro. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về việc kinh doanh nhỏ lẻ có cần nộp thuế hay không, nếu có thì cần nộp những loại thuế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn về vấn đề này như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13
– Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp
– Nghị định số 139/2016/NĐ-CP Quy định về lệ phí môn bài
– Thông tư 92/2015/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định về thuế.

II. KINH DOANH NHỎ LẺ LÀ GÌ?
Kinh doanh nhỏ lẻ là hình thức kinh doanh không cần quá nhiều vốn như các hình thức kinh doanh khác. Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, kinh doanh vốn ít không phải đăng ký kinh doanh thì kinh doanh nhỏ lẻ bao gồm những hành vi sau:
– Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
– Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
– Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
– Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
– Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
– Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
III. KINH DOANH NHỎ LẺ PHẢI NỘP NHỮNG LOẠI THUẾ GÌ?
Theo quy định hiện hành, đối với hộ kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì bắt buộc phải đóng ba loại thuế, phí bao gồm: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Còn đối với hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp các loại phí và thuế này.
3.1. Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là khoản tiền phải nộp định kỳ hằng năm hoặc khi mới sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc doanh thu của năm.Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 138/2016/NĐ-CP thì mức lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh được quy định như sau:
Doanh thu | Mức lệ phí môn bài |
Trên 500 triệu đồng/ năm | 1 triệu đồng |
Từ 300-500 triệu đồng/ năm | 500.000 đồng |
Từ 100-300 triệu đồng/ năm | 300.000 đồng |
Từ 100 triệu trở xuống | Miễn lệ phí |
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm. Trường hợp người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.
3.2. Thuế giá trị gia tăng ( Thuế GTGT) và thuế thu nhập cá nhân ( Thuế TNCN)
Thuế GTGT là loại thuế gián thu đánh trên khoản GTGT thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế TNCN là thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh.
Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về việc tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh như sau:
3.2.1. Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán
a) Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn (đối với cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế).
– Tỷ lệ (%) thuế được quy định như sau:
+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
+ Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
b) Thời hạn nộp thuế
Hộ kinh doanh cá nhân nộp tiền thuế khoán của quý chậm nhất là ngày cuối cùng của quý. Với hộ kinh doanh cá thể có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì thời hạn nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
3.2.2. Trường hợp hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo từng lần phát sinh
a) Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng bao gồm thuế ( trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ được xác định theo hợp đồng bán hàng, gia công, hoa hồng, dịch vụ bao gồm khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội; các khoản bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng (đối với doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân) mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền
– Tỷ lệ % thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN tính trên doanh thu tương tự trường hợp hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán nêu trên.
b) Thời hạn nộp thuế
Hộ kinh doanh khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh doanh thu tính thuế.
3.3. Các loại thuế khác
Ngoài 3 loại thuế cố định nêu trên, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, … nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu các loại thuế này.

Bài viết tham khảo: Công ty có chi nhánh ở nhiều tỉnh thì thông báo khuyến mại ở đâu
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề đóng thuế đối với hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn