- Chuyên mục: TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
- Ngày đăng: 14/12/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Từ khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, nền kinh tế ngày càng phát triển năng động, các tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng được coi trọng hơn. Nhưng đi cùng sự phát triển kinh tế, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, nhiều người vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật, làm giả thương hiệu của người khác để thu lợi. Trường hợp bị giả mạo thương hiệu thì cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, câu hỏi này sẽ được Luật Thành Đô trả lời trong bài viết sau đây.
Câu hỏi của khách hàng:
Xin chào Luật sư, công ty tôi là chủ sở hữu của nhãn hiệu bánh Hữu Bình, đã đăng ký và được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Gần đây, tôi phát hiện công ty X sản xuất và đưa ra thị trường loại bánh trung thu có gắn nhãn hiệu Hữu Bình của công ty tôi khiến cho khách hàng nhầm lẫn rằng đây là sản phẩm của công ty tôi. Xin luật sư hãy cho biết công ty tôi có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất?
Luật sư trả lời:
Chào bạn, trường hợp của công ty bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)
– Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
– Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
II. HÀNH VI CỦA CÔNG TY X CÓ VI PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ KHÔNG?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006, để kết luận một hành vi có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không, cần xem xét 4 yếu tố sau:
(i) Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
(ii) Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
(iii) Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
(iv) Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Trong tình huống của công ty bạn, chúng ta nhận thấy như sau:
– Đối tượng bị xem xét ở đây là nhãn hiệu bánh “Hữu Bình”, hiện đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục sở hữu trí tuệ cấp cho công ty bạn.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét, đó là việc công ty X gắn nhãn hiệu “Hữu Bình” nên sản phẩm bánh trung thu do mình sản xuất vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.”
Đồng thời hành vi của công ty X cũng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh theo điểm a khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ: “Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ.”
– Công ty X không phải là chủ thể của quyền sở hữu nhãn hiệu Hữu Bình, không được công ty bạn, pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
– Hành vi của công ty X xảy ra tại Việt Nam.
Như vậy, có thể kết luận công ty X có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bánh “Hữu Bình” của công ty bạn.
III. LÀM GÌ KHI BỊ GIẢ MẠO THƯƠNG HIỆU ?
Trong trường hợp này, chúng tôi xin tư vấn cho công ty bạn các biện pháp sau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:
3.1. Gửi thư khuyến cáo
Công ty bạn có thể gửi thư khuyến cáo tới công ty X để thông báo về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Hữu Bình và yêu cầu công ty X chấm dứt hành vi xâm phạm của mình. Thư khuyến cáo gồm các nội dung sau đây:
– Thông tin về công ty bạn.
– Các bằng chứng chứng minh tư cách chủ thể quyền của công ty bạn đối với nhãn hiệu Hữu Bình (giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu,…)
– Các bằng chứng cho thấy công ty X có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty bạn.
– Trong thư cần nêu rõ yêu cầu công ty X chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu thu hồi sản phẩm có chứa nhãn hiệu Hữu Bình của công ty X, yêu cầu công ty X xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
– Trong thư cần ấn định một khoảng thời gian hợp lý để công ty X chấm dứt hành vi xâm phạm.
Ưu điểm: Nếu lựa chọn biện pháp này và hai bên đạt được thỏa thuận, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc, thông tin được bảo mật.
Nhược điểm: Kết quả của giải pháp này phụ thuộc vào thái độ, sự tôn trọng của công ty X nên có thể sẽ không theo ý muốn.
3.2. Biện pháp hành chính
Trường hợp đã gửi thư khuyến cáo nhưng công ty X vẫn cố ý không chấm dứt hành vi vi phạm, công ty bạn có thể yêu cầu Thanh tra Khoa học và công nghệ, Quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty X về các hành vi: xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Để có thể yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty X, công ty bạn cần gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền. Đi kèm với đơn yêu cầu, công ty bạn cần cùng cấp thêm các tài liệu, chứng cứ sau:
– Chứng cứ chứng minh công ty bạn là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Hữu Bình (văn bằng bảo hộ).
– Chứng cứ chứng minh công ty X có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh của công ty bạn (bản kết luận giám định của Cục Sở hữu trí tuệ).
– Bản sao thư khuyến cáo của công ty bạn gửi cho công ty X.
– Chứng cứ và hiện vật về hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ (bao bì và sản phẩm bánh trung thu của công ty X).
Ưu điểm: Thủ tục của biện pháp hành chính tương đối đơn giản hơn so với thủ tục tố tụng dân sự, do đó tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đây là biện pháp hiệu quả để khiến công ty X chấm dứt hành vi xâm phạm.
Nhược điểm: Tuy có lợi là sẽ khiến công X phải chấm dứt hành vi xâm phạm nhưng nếu chỉ áp dụng biện pháp hành chính, công ty bạn sẽ không nhận được tiền bồi thường thiệt hại. Tiền nộp phạt của công ty X sẽ được nộp về kho bạc nhà nước.
3.3. Biện pháp dân sự
Công ty bạn cũng có thể lựa chọn phương pháp khởi kiện công ty X về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của công ty mình ra Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở của công ty X để yêu cầu tòa án ra phán quyết buộc công ty X chấm dứt hành vi xâm phạm quyền, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Khi lựa chọn phương án này, công ty bạn cũng có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ như khi yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời nếu muốn yêu cầu công ty X bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ.
Ưu điểm: Nếu lựa chọn phương pháp này, công ty bạn có thể nhận được khoản tiền bồi thường từ công ty X. Việc xin lỗi, cải chính công khai có thể giúp phục hồi, nâng cao danh tiếng của công ty.
Hạn chế: Thủ tục giải quyết tương đối phức tạp dẫn đến phát sinh nhiều chi phí. Thời gian xét xử có thể kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty bạn.
Bài viết tham khảo: Có được đặt tên quán ăn trùng nhau không
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn