Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập sâu rộng với quốc tế. Việc đi ra nước ngoài học tập, làm ăn hay du lịch đã không còn hiếm lạ. Để có thể ra nước ngoài thì trước tiên mỗi người cần có một cuốn hộ chiếu. Quy trình, thủ tục làm hộ chiếu ra sao, trong bài viết dưới đây Luật Thành Đô sẽ cùng các bạn tìm hiểu.

Câu hỏi của khách hàng:

Xin chào Luật sư, sắp tới gia đình tôi dự định đi du lịch Singapore nhưng cả nhà chưa ai có hộ chiếu. Xin hỏi Luật sư quy trình làm hộ chiếu như thế nào, mất thời gian có lâu không? Tôi có con trai năm nay 10 tuổi thì có cần làm hộ chiếu cho cháu không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư trả lời:

Chào bạn, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

– Thông tư số 29/2016/TT-BCA ngày 06/7/2016 hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước cho công dân Việt Nam.

Quy trình làm hộ chiếu theo quy định pháp luật Việt Nam
Quy trình làm hộ chiếu theo quy định pháp luật Việt Nam

II. BAO NHIÊU TUỔI THÌ ĐƯỢC CẤP HỘ CHIẾU?

Điều 8 Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định: “Hộ chiếu phổ thông cấp cho mọi công dân Việt Nam.”

Theo đó, công dân Việt Nam dù là trẻ em hay người lớn thì đều có quyền được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi của công dân mà hộ chiếu có thời hạn khác nhau.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 2 Thông tư 29/2016/TT-BCA:

– Trẻ em dưới 9 tuổi có thể làm hộ chiếu riêng hoặc cấp chung vào hộ chiếu của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó. Hộ chiếu có thời hạn 5 năm.

– Trẻ em từ 9 tuổi đến dưới 14 tuổi thì bắt buộc phải cấp hộ chiếu riêng. Hộ chiếu có thời hạn 5 năm.

– Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên thì được cấp hộ chiếu phổ thông có thời hạn 10 năm (trừ trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 2 Thông tư 29/2016/TT-BCA)

Như vậy, con trai bạn đã 10 tuổi thì bắt buộc phải làm hộ chiếu riêng. Hộ chiếu này có thời hạn 5 năm.

III. THỦ TỤC LÀM HỘ CHIẾU

3.1. Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2016/TT-BCA, hồ sơ đề nghị cấp mới hộ chiếu bao gồm:

– 1 tờ khai mẫu X01.

– 2 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng.

Riêng đối với trẻ em dưới 14 tuổi:

– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu X01 phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi trẻ em đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh.

– Trẻ em dưới 9 tuổi đề nghị cấp chung hộ chiếu với mẹ hoặc cha, nộp 1 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục giấy khai sinh (nếu là bản chụp thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu) và 2 ảnh cỡ 3cm x 4cm.

– Trường hợp đề nghị cấp riêng hộ chiếu thì nộp 01 bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục Giấy khai sinh (nếu là bản chụp thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu) và 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm. Tờ khai do mẹ, cha khai và ký thay; nếu không còn mẹ, cha thì mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ (có giấy tờ chứng minh là mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp) khai và ký thay.

3.2. Trình tự thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn bên trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

– Địa điểm nộp hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ và chủ nhật).

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp

Lưu ý: Khi nộp cần xuất trình CMND hoặc CCCD còn giá trị sử dụng để đối chiếu. Với trường hợp tạm trú, khi nộp hồ sơ cần xuất trình sổ tạm trú.

Cách 2: Ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân nộp hồ sơ

Người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, có dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác có công văn gửi cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh đề nghị giải quyết. Nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì phải kèm danh sách những người ủy thác, có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.

Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức được ủy thác khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, CMND còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu.

– Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ kiểm tra hồ sơ:

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận cho người nộp và yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí và viết giấy biên lai thu tiền.

+ Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại cho kịp thời.

– Lệ phí: 200.000 đồng/1 cuốn hộ chiếu

Bước 3: Nhận hộ chiếu

– Thời hạn giải quyết: Không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

– Nơi nhận: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Thời gian trả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật).

Người trực tiếp nhận kết quả đưa giấy biên nhận, biên lai thu tiền và xuất trình CMND hoặc CCCD để đối chiếu.

Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức được ủy thác khi nhận hộ chiếu của người ủy thác phải đưa giấy biên nhận, xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, CMND hoặc CCCD của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết có thể bạn quan tâm:

Chậm nộp thuế bị phạt như thế nào ?

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)