Mở shop bán quần áo có cần đăng ký kinh doanh không là câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay. Có nhiều cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp bằng việc mở shop buôn bán quần áo. Tuy nhiên, khi mở shop có cần đăng ký kinh doanh hay không, mở shop sao cho phù hợp với quy định của pháp luật thì không phải ai cũng hiểu rõ. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Doanh nghiệp 2020

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

– Nghị định 50/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

– Nghị định 39/2007/NĐ-CP Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Mở Shop bán quần áo có cần đăng ký kinh doanh không ?
Mở Shop bán quần áo có cần đăng ký kinh doanh không ?

II. MỞ SHOP BÁN QUẦN ÁO CÓ CẦN ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHÔNG?

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

2. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Từ quy định trên, ta thấy đăng ký doanh nghiệp là một trong nghĩa vụ của người thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào tiến hành kinh doanh cũng phải đăng ký kinh doanh.

Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Theo quy định trên, các trường hợp không phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh bao gồm:

– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối có thu nhập thấp

– Người bán hàng rong có thu nhập thấp: Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.

– Người bán quà vặt có thu nhập thấp: Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.

– Người buôn chuyến có thu nhập thấp: Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.

– Người kinh doanh lưu động có thu nhập thấp

– Người kinh doanh thời vụ có thu nhập thấp

– Người làm dịch vụ có thu nhập thấp

Cụ thể mức thu nhập thấp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên những đối tượng trên nếu kinh doanh các ngành nghề có điều kiện thì vẫn phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Từ các quy định trên, ta thấy, việc mở cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do đó, khi mở cửa hàng kinh doanh quần áo, chủ cửa hàng cần tiến hành đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

III. KHÔNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

3.1. Không đăng ký thành lập doanh nghiệp

Khoản 4 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế;

b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Như vậy hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

3.2. Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh

Khoản 1 Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;

b) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

c) Thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên;

d) Hộ kinh doanh buôn chuyến, hộ kinh doanh lưu động kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng không thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh;

đ) Thành lập hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập;

e) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Theo quy định trên, hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 3.00.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Cho thuê nhà có phải đăng ký kinh doanh không ?

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)