- Chuyên mục: Tư vấn giấy phép
- Ngày đăng: 10/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Hiện nay, rất nhiều người Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu lao động, sang nước ngoài làm việc. Xuất khẩu lao động giúp mang lại nguồn thu nhập tốt hơn trong nước, giúp nhiều người thực hiện giấc mơ đổi đời. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ những công việc nào thì được xuất khẩu lao động, những công việc nào thì không. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi những công việc bị cấm xuất khẩu lao động?
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006
– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020
– Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
II. NHỮNG CÔNG VIỆC BỊ CẤM XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG?
Khoản 4 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định:
“4. Đi làm việc hoặc đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.”
Cụ thể, Điều 3 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 3. Khu vực và công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài
1. Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
2. Danh mục công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”
Danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.
– Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.
– Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.
– Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.
– Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.
– Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).
– Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 tới đây cũng đã luật hóa các công việc, nghề cấm đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Khoản 12 Điều 7 như sau:
“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với công việc sau đây:
a) Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;
b) Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân;
c) Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;
d) Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất axít ni-tơ-ríc, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc tính mạnh;
đ) Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;
e) Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);
g) Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.”
Nhìn chung, quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 về các nghề và những công việc bị cấm xuất khẩu lao động không khác biệt so với quy định hiện hành (gồm 7 công việc).
Bên cạnh quy định về các nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 còn quy định các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại Khoản 13 Điều 7 bao gồm:
– Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự;
– Khu vực đang bị nhiễm xạ;
– Khu vực bị nhiễm độc;
– Khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Nhìn chung, quy định này cũng không khác biệt so với quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về Những công việc bị cấm xuất khẩu lao động, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn