- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 30/07/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Cổ phiếu là những thuật ngữ thường xuyên bắt gặp trong công ty cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người đang bị nhẫm lẫn, không hiểu rõ về cổ phiếu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, công ty luật Thành Đô gửi tới quý bạn đọc bài viết: “Phân loại cổ phiếu trong công ty cổ phần”.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp 2020
– Luật Chứng khoán 2019

II. KHÁI NIỆM CỔ PHIẾU
Căn cứ vào khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
Qua đó, có thể hiểu Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành
Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
– Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
– Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
– Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
– Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Luật chứng khoán 2019, cổ phiếu còn là một loại chứng khoán (được coi là tài sản), là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán.
III. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỔ PHIẾU TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN
Để phân loại cổ phiếu trong công ty, trước hết cần hiểu rõ được đặc điểm của cổ phiếu trong công ty cổ phần.
– Giá trị pháp lý: Cổ phiếu là căn cứ về việc sở hữu cổ phần. Cổ phiếu thường được sử dụng bởi các công ty đã lên sàn chứng khoán. Cổ phiếu được coi hình thức biểu hiện của cổ phần và trong logic học thì cổ phiếu và cổ phần có mối quan hệ phạm trù hình thức và nội dung.
– Mệnh giá: căn cứ vào quy định của Luật Chứng khoán thì mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam. Tuy nhiên, mệnh giá cổ phiếu thay đổi theo sự phát triển của công ty, ảnh hưởng bởi thị trường.
– Cổ phiếu không có kỳ hạn và không hoàn vốn.
– Cổ phiếu có tính thanh khoản cao.
– Cổ phiếu có tính rủi ro cao.
– Cố phiếu có tính lưu thông.
IV. PHÂN LOẠI CỔ PHIẾU TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN
4.1. Các loại cổ phiếu phổ biến trên thị trường Việt Nam
Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 có các loại cổ phiếu:
Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông)
Cổ phiếu thường hay còn gọi là cổ phiếu phổ thông là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty cho phép cổ đông được hưởng các quyền lợi thông thường trong công ty. Người nắm giữ cổ phiếu phổ thông được tham gia họp Đại hội đồng cổ đông và được bỏ phiếu quyết định những vấn để quan trọng của công ty, được quyền bầu cử và ứng cử vào hội đồng quản trị của công ty.
Người nắm giữ cổ phiếu phổ thông sẽ được hưởng cổ tức tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty; Đồng thời cũng là người dánh chịu rủi ro mà công ty gặp phải, tương ứng với phần vốn góp và là người được chia phần giá trị tài sản còn lại khi thanh lý công ty sau khi công ty đã thanh toán các khoản nợ và thanh toán cho cổ đông ưu đãi.
Cổ phiếu phổ thông không thể chuyển thành cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu trong một công ty, đồng thời cho phép người nắm giữ cổ phiếu này được hưởng một số quyền lợi ưu tiên so với cổ phiếu thường. Người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi của công ty.
Người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được trả cổ tức trước khi chia lợi tức cho cổ đông thường, tuy nhiên lợi tức này là cố định và được xác định bằng tỉ lệ phần trăm in trên mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu ưu đãi được quyền ưu tiên thanh toán trước khi công ty bị giải thế hay thanh lý, sau những người có trái phiếu.
Các loại cổ phiếu ưu đãi:
+ Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết là cổ phiếu phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phiếu phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phiếu ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.
+ Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: là cổ phiếu được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phiếu phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Đây là cổ phiếu được trả cổ tức với mức cao hơn so với cổ tức trả cho cổ phiếu phổ thông.
+ Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại là cổ phiếu được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
4.2. Một số cổ phiếu khác trên thị trường
Bên cạnh một số cổ phiếu phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật quy định chặt chẽ. Dựa vào một số đặc điểm có thể phân loại thành một số cổ phiếu khác nhau như:
– Dựa vào hình như cổ phiếu gồm có:
+ Cổ phiếu ghi danh: là cổ phiếu có ghi tên người sở hữu trên tờ cổ phiếu. Cổ phiếu này có nhược điểm là việc chuyển nhượng phức tạp, phải đăng ký tại cơ quan phát hành và phải được Hội đồng Quản trị của công ty cho phép.
+ Cổ phiếu vô danh: là cổ phiếu không ghi tên người sở hữu. Cổ phiếu này được tự do chuyển nhượng mà không cần thủ tục pháp lý.
– Cổ phiếu quỹ, cổ phiếu được phép phát hành, cổ phiếu đã phát hành
+ Cổ phiếu quỹ: Theo quy định tại điều 73 Thông tư 200/2014/TT-BTC:
“Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu do công ty phát hành và được mua lại bởi chính công ty phát hành, nhưng nó không bị huỷ bỏ và sẽ được tái phát hành trở lại trong khoảng thời gian theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Các cổ phiếu quỹ do công ty nắm giữ không được nhận cổ tức, không có quyền bầu cử hay tham gia chia phần tài sản khi công ty giải thể. Khi chia cổ tức cho các cổ phần, các cổ phiếu quỹ đang do công ty nắm giữ được coi là cổ phiếu chưa bán”.
+ Cổ phiếu được phép phát hành: là số lượng cổ phiếu tối đa của một công ty có thể phát hành từ lúc bắt đầu thành lập để huy động vốn cũng như trong suốt quá trình hoạt động. Khi cần có sự thay đổi số lượng cổ phiếu được phép phát hành thì phải được đa số cổ đông bỏ phiếu tán thành và phải sửa đổi điều lệ công ty.
+ Cổ phiếu đã phát hành: là cổ phiếu mà công ty được bán ra cho các nhà đầu tư trên thị trường và công ty đã thu về được toàn bộ tiền bán số cổ phiếu đó, nó nhỏ hơn hoặc tối đa là bằng với số cổ phiếu được phép phát hành.

Bài viết liên quan về phân loại cổ phiếu trong công ty cổ phần:
Trình tự thủ tục sáp nhập doanh nghiệp
Quy định pháp luật về tạm ngừng kinh doanh công ty
Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến vấn đề “Phân loại cổ phiếu trong công ty cổ phần”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về loại hình công ty cổ phần, khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến loại hình doanh nghiệp này.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn