- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 04/01/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Hiện nay, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế khối tư nhân của Chính phủ, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp ngày càng được đơn giản hóa. Khi có dự định đăng ký thành lập doanh nghiệp, một câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là những khoản phí phải nộp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp? Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp câu hỏi này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
– Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. NHỮNG KHOẢN PHÍ PHẢI NỘP KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
2.1. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Thông tư 47/2019/TT-BTC, khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp hiện nay là: 50.000 đồng/lần
Lưu ý: các trường hợp sau đây được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp:
(1) Doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử;
(2) Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Bài viết cùng chủ đề: |
2.2. Phí công bố thông tin doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Lệ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp hiện nay là: 100.000 đồng/lần
Lưu ý:
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
– Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
2.3. Chi phí làm dấu của doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số.
Một điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 đó là cho phép doanh nghiệp được tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có quyền quyết định có làm con dấu hay không và khi làm con dấu, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng.
Tuy nhiên, trong một số luật chuyên ngành khác vẫn yêu cầu doanh nghiệp cần có con dấu khắc. Do đó, doanh nghiệp vẫn nên khắc con dấu để tránh rắc rối sau này.
Đồng thời, khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước qua mạng điện tử, thông thường doanh nghiệp phải có chữ ký số, do đó, doanh nghiệp cũng cần mua chữ ký số.
Chi phí khắc con dấu dao động từ 200.000 đồng – 600.000 đồng/01 con dấu tùy đơn vị cung cấp dịch vụ và loại dấu.
Chi phí mua chữ ký số dao động từ 02 – 03 triệu đồng/01 năm tùy thuộc vào các gói dịch vụ của đơn vị cung cấp.
2.4. Chi phí mở tài khoản ngân hàng
Quy định của pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế thông qua giao dịch điện tử. Do đó, doanh nghiệp cần có tài khoản ngân hàng. Đồng thời, có tài khoản ngân hàng cũng thuận tiện hơn cho việc giao dịch của doanh nghiệp.
Chi phí mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tùy thuộc vào từng ngân hàng khác nhau. Thông thường, chi phí phải nạp vào tài khoản khi mở tài khoản của doanh nghiệp khoảng 01 triệu đồng.
2.5. Phí làm biển hiệu
Theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc làm biển hiệu của doanh nghiệp là bắt buộc. Nếu vi phạm quy định này, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng (điểm c khoản 2 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP)
Chi phí làm biển hiệu doanh nghiệp dao động từ 200.000 đồng – 300.000 đồng tùy chất liệu, kích thước và đơn vị cung cấp dịch vụ.
2.6. Phí mua hóa đơn điện tử và phát hành hóa đơn
Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Chi phí mua hóa đơn điện tử phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử, trung bình khoản 350.000 đồng/300 hóa đơn và phí phát hành hóa đơn là 500.000 đồng.
2.7. Lệ phí môn bài
Để khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp mới ở nước ta, Nghị định 22/2020/NĐ-CP đã quy định việc miễn lệ phí môn bài như sau:
Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
– Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
– Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Như vậy, doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Những khoản phí phải nộp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, mọi vướng mắc liên quan Quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp miễn phí.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn