Hiện nay, để việc kinh doanh hiệu quả, hoạt động quảng cáo ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên thực tế ấy lại nảy sinh hiện trạng một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong chính sách quản lý để quảng cáo sai sự thật, nội dung quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng. Các hành vi vi phạm của các đối tượng ngày một tinh vi và cần được xử phạt nghiêm khắc.

Vậy theo quy định của pháp luật về quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật bị xử phạt như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14

– Nghị định số 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP

– Bộ Luật hình sự số số 100/2015/QH13, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14

Quảng cáo sai sự thật bị phạt như thế nào?
Quảng cáo sai sự thật bị phạt như thế nào?

II. THẾ NÀO LÀ QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo thì Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Có thể hiểu hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố (theo quy định tại khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo)

III. XỬ PHẠT HÀNH VI QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT

Hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như sau:

3.1. Xử phạt hành chính

Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với các hành vi sau:

Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ.

Các trường hợp ngoại lệ:

+) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi quảng cáo thuốc thiếu một trong các tài liệu sau: tên thuốc; tên hoạt chất; chỉ định, trừ các chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong, bệnh lây qua đường tình dục, bệnh ung thư, bệnh khối u, bệnh đái tháo đường hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự, chứng mất ngủ kinh niên và chỉ định mang tính kích dục; chống chỉ định hoặc khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

+) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.

+) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi quảng cáo không đúng với tính năng, tác dụng của trang thiết bị y tế.

+) Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh giống về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, thời hạn bảo hành của giống cây trồng.

+) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi.

– Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

Các trường hợp ngoại lệ:

+) Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc

Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc

Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: hình ảnh người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.

+) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc

+) Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;

Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật thì mức phạt tiền gấp 2 lần theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.

3.2. Xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật đã bị xử phạt hành chính mà tái phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối. Cụ thể:

– Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề xử phạt hành vi quảng cáo sai sự thật. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)