Phân tích quy định pháp luật về biện pháp khẩn cấp tạm thời và áp dụng biện pháp khẩn câp tạm thời. Đặc điểm và ý nghĩa của biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Quy định pháp luật về Biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong tố tụng dân sự, khi giải quyết một tranh chấp hay một yêu cầu nào đó, Toà án phải tuân theo những trình tự mà pháp luật quy định. Như vậy, sẽ có một khoảng thời gian nhất định kể từ khi đương sự nộp đơn đến khi Toà án đưa ra bản án, quyết định có hiệu lực.

Xuất phát từ thực tế, trong khoảng thời gian này sẽ có thể xảy ra trường hợp đương sự tẩu tán tài sản, tiêu huỷ chứng cứ.. .nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, còn có trường hợp đương sự là người yếu thế cần được đáp ứng yêu cầu cấp bách như: yêu cầu cấp dưỡng, người lao động đòi tiền lương….

Từ đó, pháp luật quy định ra chương VIII về các biện pháp khẩn cấp tạm thời để có thể giúp Toà án can thiệp nhanh chóng, kịp thời qua đó bảo vệ tài sản, bảo vệ chứng cứ hoặc các bảo đảm thiết yếu khác cho việc thi hành nghĩa vụ của đương sự.

Từ những phân tích trên, ta rút ra được khái niệm của biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp Toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo vệ tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Quy định pháp luật Việt Nam về biện pháp khẩn cấp tạm thời
Quy định pháp luật Việt Nam về biện pháp khẩn cấp tạm thời

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?

Theo lý luận chung về Nhà nước và pháp luật: “Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, được thực hiện vởi những cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc các tổ chức xã hội được nhà nước uỷ quyền thông qua những trình tự thủ tục chặt chẽ mà pháp luật quy định nhằm cá biệt hoá những quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể đổi với các cá nhân tổ chức cụ thể”

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một hình thức cụ thể của áp dụng pháp luật nói chung, theo đó, Toà án xem xét các quy định của pháp luật, xem xét yêu cầu của đương sự. Thông qua trình tự, thủ tục mà pháp luật TTDS có quy định, từ đó, đưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp.

Không chỉ dừng lại ở việc quyết định áp dụng hay không áp dụng BPKCTT nào đó. Khái niệm áp dụng pháp luật còn được hiểu trên phạm vi rộng hơn, bao quát hơn gồm việc ra quyết định sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng.

Trong trường hợp nhất định, những biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể không còn phù hợp, đạt được mục đích hay nói cách khác BPKCTT không còn phát huy tác dụng. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Từ đó, khái niệm áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự có thể được hiểu như sau:

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết các vụ việc dân sự là việc Tòa án, cụ thể là Thẩm phán hay HĐXX xét các căn cứ, thủ tục về biện pháp khẩn cấp tạm thời để ban hành một hoặc nhiều quyết định BPKCTT hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Đặc điểm của biện pháp khẩn cấp tạm thời

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoạt động áp dụng pháp luật, do đó, nó có đầy đủ các đặc điểm của hoạt động áp dụng pháp luật nói chung như: mang tính quyền lực Nhà nước; do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; phải tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định; mang tính cá biệt, cụ thể; đòi hỏi tính sáng tạo. Ngoài những đặc điểm nêu trên, áp dụng các BPKCTT thời cũng mang những đặc điểm riêng biệt, đó là:

– Chủ thể áp dụng BPKCTT là Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc mà cụ thể là Thẩm phán hoặc HĐXX tiến hành.

– Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện trên cơ sở quyền tự định đoạt của đương sự.

– Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nhanh chóng, kịp thời nhưng chỉ có hiệu lực thi hành tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định.

– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải tuân theo các điều kiện, trình tự thủ tục do pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Dựa vào khái niệm, đặc điểm của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, có thể rút ra được những ý nghĩa như sau:

– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời góp phần bảo vệ chứng cứ cho việc giải quyết vụ việc.

– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giúp giải quyết kịp thời yêu cầu cấp bách của đương sự.

– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời góp phần bảo toàn tài sản, bảo đảm khả năng thi hành án dân sự.

– Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời góp phần thúc đẩy người có nghĩa vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.

Bài viết cùng chủ đề:

Tư vấn luật dân sự

Đánh giá bài viết này