Những người hành nghề chứng khoán luôn đóng một phần rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán ở nước ta. Trong những năm qua , đội ngũ người hành nghề chứng khoán đã có những hỗ trợ nhất định trong đánh giá, phân tích các thông tin chứng khoán cũng như tư vấn cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân để họ ra quyết định tham gia hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện niêm yết chứng khoán của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán… Vậy, pháp luật hiện nay quy định người hành nghề chứng khoán như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn về vấn đề này như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật chứng khoán số 54/2019/QH14

– Nghị định số 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán

II. NGƯỜI HÀNH NGHỀ CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ?

Khoản 47 Điều 5 Luật chứng khoán quy định:

Người hành nghề chứng khoán là người được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán và làm việc tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam), công ty đầu tư chứng khoán.

Quy định pháp luật về hành nghề chứng khoán
Quy định pháp luật về hành nghề chứng khoán

III. QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ CHỨNG KHOÁN

3.1. Phân loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán

Chứng chỉ HNCK bao gồm:

– Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán;

– Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;

– Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

3.2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán

Chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 điều 97 Luật chứng khoán và khoản 1 điều 213 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;

– Có trình độ từ đại học trở lên;

– Có trình độ chuyên môn về chứng khoán;

– Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp. Người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc những người đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài phải đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Việt Nam.

– Có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán bao gồm: chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ phân tích và đầu tư chứng khoán, chứng chỉ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán hoặc chứng chỉ tương đương.

3.3. Điều kiện thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán

Theo khoản 3 điều 97 Luật chứng khoán, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong các trường hợp sau đây:

– TH1: Không còn đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán

– TH2: Vi phạm quy định tại Điều 12, khoản 2 Điều 98 của Luật chứng khoán về các hành vi bị nghiêm cấm khi hành nghề chứng khoán.

Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong trường hợp này không được cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

– TH3: Không hành nghề chứng khoán trong 03 năm liên tục.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán và đăng tải thông tin về việc thu hồi trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, người bị thu hồi chứng chỉ phải nộp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

3.4. Thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán

– Chuẩn bị hồ sơ gồm:

+) Giấy đề nghị theo mẫu số 85 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP

+) Bản thông tin cá nhân của người đề nghị cấp chứng chỉ HNCK theo Mẫu số 67 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong vòng 06 tháng tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ;

+) Phiếu lý lịch tư pháp được Cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được hồ sơ;

+) Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sỹ, tiến sỹ;

+) Chứng chỉ hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài hoặc tài liệu tương đương chứng minh cá nhân đó đang được phép hành nghề CK hợp pháp ở nước ngoài; các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc các chứng chỉ tương đương;

+) 02 ảnh 4cm x 6cm

+) Đối với trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, hồ sơ kèm theo văn bản xác nhận số năm làm việc, vị trí công tác của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề CK do các tổ chức nơi người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán đã từng làm việc hoặc đang làm việc cung cấp.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán và thông báo nộp lệ phí cho người đề nghị; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nộp lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán không nộp lệ phí, không thực hiện nhận chứng chỉ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ chứng chỉ hành nghề chứng khoán đã cấp.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ CHỨNG KHOÁN

Điều 98 Luật chứng khoán quy định về trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán như sau:

– Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam hoặc công ty đầu tư chứng khoán.

– Người HNCK không được thực hiện các hành vi sau đây:

+) Đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trở lên;

+) Mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán;

+) Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán nơi mình đang làm việc.

– Người hành nghề CK phải tham gia các khóa tập huấn về pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hệ thống giao dịch, loại chứng khoán mới do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tổ chức.

– Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán chịu trách nhiệm về hoạt động nghiệp vụ của người HNCK.

Bài viết có thể bạn quan tâm:

Thủ tục đổi tên công ty theo quy định pháp luật 2022

Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về quy định về hành nghề chứng khoán theo pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)