QUY TRÌNH – THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP 2017

Ngày 01/07/2015 Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu có hiệu lực. Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014 cùng với những văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Thành Đô hướng dẫn chi tiết quy trình – thủ tục thành lập công ty/ doanh nghiệp được thực hiện theo các bước như sau:

(QUÝ KHÁCH THAM KHẢO THÊM BIỂU PHÍ DỊCH VỤ THÀNH LẬP CÔNG TY TRỌN GÓI TẠI ĐÂY)

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị các thông tin cần thiết để tiến hành soạn hồ sơ:

Thứ nhất, doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để bắt đầu khởi nghiệp. Trong quá trình lựa chọn loại hình doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần phải nắm rõ được đặc điểm cũng như ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp; từ đó xác định và chọn lựa loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với định hướng kinh doanh của mình. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì có thể thấy các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH (hai thành viên trở lên), Công ty cổ phần.

Thứ hai, đặt tên cho doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp nên đặt ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và điều đặc biệt lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp là tên không được trùng hoặc không gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã thành lập trước đó (áp dụng trên toàn quốc). Để xác định tên doanh nghiệp của mình có bị trùng với những doanh nghiệp khác hay không, bạn truy cập vào “Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” theo đường link https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ để tra cứu.

Thứ ba, chuẩn bị bản sao Thẻ căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của những thành viên (cổ đông). Việc chọn lựa ai sẽ là thành viên (cổ đông) của doanh nghiêp do chủ doanh nghiệp quyết định trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì số lượng thành viên từ 02 (hai) đến 50 (năm mươi) người; đối với công ty cổ phần tối thiểu phải có 03 (ba) cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng tối đa. Đối với công ty hợp danhphair có ít nhất 02 (hai) thành viên hợp danh.

Thứ tư, tìm kiếm trụ sở cho doanh nghiệp. Trụ sở doanh nghiệp phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.

Thứ năm, xác định vốn điều lệ đưa vào kinh doanh. Vốn Điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời gian nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Tùy theo từng ngành nghề kinh doanh mà chủ doanh nghiệp tự quyết định mức vốn Điều lệ; pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu; tuy nhiên đối với một số ngành nghề như bảo hiểm, ngân hàng…mà pháp luật yêu cầu phải có vốn pháp định thì trong trường hợp này vốn điều lệ phải không thấp hơn mức vốn pháp định do pháp luật quy định. Vốn Điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần trong công ty; thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong công ty. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần cân nhắc kĩ càng việc đưa vốn điều lệ vào kinh doanh cũng như phân chia tỷ lệ góp vốn cho thích hợp (đối với một số loại hình doanh nghiêp).

Thứ sáu, xác định ai sẽ là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và chức danh người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; số lượng và chức danh người đại diện theo pháp luật của do điều lệ công ty quy định. Tuy nhiên nên để chức danh người đại diện là giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Lưu ý: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là cá nhân.

Thứ bảy, xác định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xác định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng bởi lẽ đó sẽ là những hoạt động kinh doanh diễn ra hàng ngày của doanh nghiệp. Tuy nhiên để có thể đăng ký kinh doanh và thực hiện kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký thì ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp phải được chuẩn hoá theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh (Quyết định 337/QĐ-BKH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ kế hoạch và đầu tư Về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam)

Bước 2: Doanh nghiệp tiến hành soạn hồ sơ và nộp hồ sơ để thực hiện việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi đã xác định được những thông tin cơ bản khi tiến hành thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ tiến hành soạn hồ sơ hoặc ủy quyền cho Luật Thành Đô thực hiện. Bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:

  • Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Theo mẫu quy định tại phụ lục Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ kế hoạch và đầu tư Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp);
  • Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông công ty cổ phần;
  • Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông công ty cổ phần;
  • Hợp đồng dịch vụ thành lập doanh nghiệp; Giấy giới thiệu (đối với trường hợp Luật Thành Đô thực hiện thủ tục nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh thay cho doanh nghiệp);
  • Tài liệu khác trong các trường hợp đặc biệt.

Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ theo quy định thì doanh nghiệp tiến hành nộp 01 (một) bộ hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thời hạn hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp: Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và nộp phí theo quy định. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:

  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

Thời hạn công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp ủy quyền cho Luật Thành Đô hoặc tự mình liên hệ trực tiếp với cơ quan khắc dấu để khắc dấu pháp nhân cho doanh nghiệp. Một trong những quy định mới về con dấu trong Luật Doanh nghiệp 2014 là: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Mã số doanh nghiệp.

Bước 5: Thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp:

Sau khi nhận được con dấu pháp nhân và trước khi sử dụng dấu thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Hồ sơ thông báo về mẫu con dấu pháp nhân của doanh nghiệp gồm:

  • Thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp
  • Giấy ủy quyền cho cá nhân nộp hồ sơ (doanh nghiệp tự mình thực hiện thủ tục). Trường hợp Luật Thành Đô thực hiện thủ tục thì sẽ dùng hợp đồng dịch vụ và giấy giới thiệu cho cá nhân thực hiện thủ tục.
  • Bản sao chứng thực Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người nộp hồ sơ.

Lưu ý: Thủ tục nộp thông báo sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp tiến hành qua mạng điện tử.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi Giấy biên nhận cho doanh nghiệp qua địa chỉ email, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp.

Bước 6: Thủ tục sau thành lập doanh nghiệp:

Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có điều kiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu thì có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên theo quy định pháp luật, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện các công việc như sau:

  • Mở tài khoản ngân hàng và nộp Thông báo tài khoản ngân hàng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Treo biển tại trụ sở doanh nghiệp. Biển công ty phải thể hiện thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại của công ty. Tránh trường hợp khi cơ quan thuế xuống kiểm tra trụ sở sẽ thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở và không cho doanh nghiệp đăng ký sử dụng hoá đơn.
  • Tiến hành làm thủ tục khai thuế ban đầu tại chi cục thuế quận/ huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử. Doanh nghiệp đặt mua chữ ký số và đăng ký sử dụng với nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Chữ ký số điện tử có giá trị tương đương với con dấu của doanh nghiệp khi nộp thuế điện tử.
  • Nộp tờ khai và nộp thuế môn bài (theo Mẫu số 01/MBAI ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính).
  • Nộp thông báo áp dụng phương pháp tính thuế GTGT (theo Mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính).
  • Làm thủ tục mua, đặt in, tự in hóa đơn theo quy định của Thông tư 39/2014/TT-BTC hóa đơn chứng từ có hiệu lực từ 01/06/2014. Kể từ ngày 1/9/2014 các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được đăng ký phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và được đặt in hóa đơn GTGT sử dụng. Lưu ý: Trước khi đặt in hoá đơn doanh nghiệp cần gửi Đơn đề nghị sử dụng hoá đơn đặt in đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nộp đơn, cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ xuống kiểm tra trụ sở công ty và thông báo doanh nghiệp có được đặt in hoá đơn hay không.
  • Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kinh doanh và xin cấp giấy phép kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trước khi thực hiện kinh doanh ngành nghề đó.

Mọi thông tin còn vướng mắc vềquy trình – thủ tục pháp lý liên quan đến thành lập doanh nghiệp Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)