- Chuyên mục: Tư vấn luật lao động
- Ngày đăng: 18/06/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ vừa có thể tham gia lao động, vừa có thể chăm sóc con nhỏ, pháp luật lao động hiện hành đã quy định nhiều quyền lợi đặc biệt cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về những quyền lợi này. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Lao động 2019
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
– Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
II. QUYỀN LỢI CỦA LAO ĐỘNG NỮ KHI NUÔI CON NHỎ DƯỚI 12 THÁNG TUỔI
2.1. Không bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng
Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định một trong các trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là:
“Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Đồng thời, Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định:
“Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.”
Như vậy, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tuổi, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật) có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức phạt đối với cá nhân).

2.2. Không bị xử lý kỷ luật lao động
Điểm d Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, trong thời gian người lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động.
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.
Khi người lao động vi phạm kỷ luật hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không được quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020, người lao động xử lý kỷ luật đối với lao động nữ đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức phạt đối với cá nhân).
2.3 Được từ chối làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa
Điểm b Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Như vậy, người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuôi có quyền từ chối làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020, người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức phạt đối với cá nhân).
2.4. Được chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng hơn
Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, lao động nữ làm nghề, công việc:
– Nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
– Hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
– Hoặc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.
Nếu thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động:
– Chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn.
– Hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2.5. Được bảo đảm về công việc
Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ sau khi nghỉ thai sản quay lại làm việc sẽ được bảo điểm việc làm cũ mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản. Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Bên cạnh đó, theo đoạn 2 Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
2.6. Được nghỉ 60 phút hưởng đủ lương mỗi ngày
Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Đồng thời, Khoản 4 Điều 80 Nghị định 45/2019 quy định:
4. Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi:
a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
b) Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Như vậy, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ ngơi và được người sử dụng lao động đồng ý thì được trả thêm tiền lương làm thêm giờ.
Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020, người sử dụng lao động không cho lao động nữ đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức phạt đối với cá nhân).
2.7. Được nghỉ khi con ốm đau 20 ngày/năm/con
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có con dưới 12 tháng tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/năm/con, không kể ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần.
Khi nghỉ việc trong thời gian con ốm đau, người lao động được hưởng trợ cấp tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Bài viết có thể bạn quan tâm:
Đi làm ngày lễ có được nghỉ bù vào ngày khác không?
Những trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Quyền lợi của lao động nữ khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn