Bản ghi âm, ghi hình là những tác phẩm thể hiện sự sáng tạo của các nhà sản xuất và được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả cho chủ sở hữu. Do đó, các cá nhân, tổ chức chỉ được sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố trong một giới hạn nhất định và tuân theo các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, công ty Luật Thành Đô gửi tới quý bạn đọc bài viết: Quyền sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố”.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009;

– Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan;

– Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

II. KHÁI NIỆM BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH ĐÃ CÔNG BỐ

Căn cứ vào Khoản 9 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ: “Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý”.

Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019 đã liệt kê các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ, trong đó có bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ trong trường hợp:

– Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;

– Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố phải có sự cho phép của chủ sở hữu bởi bản ghi âm, ghi hình đã được công bố thuộc đối tượng bảo hộ quyền liên quan và thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất, trừ một số trường hợp quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố (ảnh minh họa)
Sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố (ảnh minh họa)

III. QUYỀN SỬ DỤNG BẢN GHI ÂM HINH HÌNH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ KHÔNG PHẢI XIN PHÉP NHƯNG PHẢI TRẢ TIỀN NHUẬN BÚT THÙ LAO

3.1. Sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 thì:

– Tổ chức cá nhân phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi sử dụng trực tiếp các bản ghi âm, ghi hình đã được công bố với mục đích thương mại như phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất cứ hình thức nào.

– Việc sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào không phải xin phép những vẫn phải trả tiền thù lao.

– Khoản 1 Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố. Theo đó, việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại tức là việc tổ chức phát sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đó để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, môi trường kĩ thuật số.

Việc sử dụng trực tiếp các bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại như đã đề cập ở trên không phải xin phép nhưng đều phải trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

3.2. Sử dụng gián tiếp bản ghi âm ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại

– Về cơ bản việc sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại được quy định tương tự giống với việc sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố đối với cả hai trường hợp: nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào và mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào

– Khoản 2 Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định cụ thể hơn về việc sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào là việc tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng; chuyển chương trình trong môi trường kỹ thuật số lên sóng.

Cả hai trường hợp sử dụng trực tiếp và gián tiếp bản ghi âm ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại thuộc các trường hợp đề cập ở trên không phải xin phép nhưng đều phải trả tiền thu lao. Trong trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc khởi kiện ra toà án.

3.3. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại

Tại khoản 2 Điều 33 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật”.

Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại được hiểu là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng (Khoản 3 Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).

3.4. Một số lưu ý

– Việc hưởng tiền thù lao của người biểu diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng trong các trường hợp trên tùy thuộc vào thoả thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi thực hiện chương trình ghi âm, ghi hình.

– Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố thuộc các trường hợp đề cập ở trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

IV. SỬ DỤNG BẢN GHI ÂM GHI HÌNH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ KHÔNG PHẢI XIN PHÉP, KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN NHUẬN BÚT THÙ LAO

Căn cứ vào Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

– Tự sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân

– Dùng các bản bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy;

– Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin;

– Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng;

Bản sao tạm thời là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức.

Việc các tổ chức cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố mà không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao thì không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

V. MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM SỬ DỤNG BẢN GHI ÂM GHI HÌNH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Bên cạnh có quyền được thực hiện đối với các bản ghi âm, ghi hình đã được công bố, Luật sở hữu trí tuệ quy định một số hành vi vi phạm trong việc sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà xuất bản, chủ sở hữu của các bản ghi âm ghi hình. Cụ thể tại Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong lĩnh vực hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu; sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan Quyền sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố:

Thủ tục đăng ký bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh

Thủ tục chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến Quyền sử dụng bản ghi âm ghi hình đã được công bố”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Đánh giá bài viết này