Lương tối thiểu vùng là mức tiền lương thấp nhất Nhà nước quy định mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội từng giai đoạn mà mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh hợp lí sao cho đáp ứng được tốt nhất nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, rất nhiều người lao động còn thắc mắc: khi Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng thì công ty có bắt buộc phải tăng lương cho người lao động không? Luật Thành Đô xin căn cứ vào các quy định hiện hành để giải đáp thắc mắc đó như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14;

– Nghị định số 90/2019/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;

– Nghị định số số 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Các văn bản pháp luật khác liên quan.

Có bắt buộc phải tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng?
Có bắt buộc phải tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng?

II. QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG TRONG CÔNG TY

* Trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương của công ty

Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai thang lương, bảng lương tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện.

Theo quy định hiện hành thì công ty không còn phải đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lí nhà nước về lao động.

* Căn cứ xây dựng thang lương, bảng lương là mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng là căn cứ quan trọng để người lao động và người sử dụng lao động đàm phán, thỏa thuận mức tiền lương, từ đó mới có thể thực hiện đúng nguyên tắc trả lương. Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Theo quy định tại điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng hiện nay áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

– Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

– Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

– Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

– Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

III. CÓ BẮT BUỘC PHẢI TĂNG LƯƠNG KHI LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TĂNG?

Theo điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng được thực hiện như sau:

Mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Như vậy, theo quy định trên, khi mức lương tối thiểu vùng tăng lên thì việc điều chỉnh mức lương hợp đồng hay không sẽ phụ thuộc vào bảng lương hiện tại của doanh nghiệp:

* Trường hợp mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong thang, bảng lương hiện tại của công ty bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng thì công ty không bắt buộc phải tăng lương. Việc tăng lương trong trường hợp này tùy thuộc vào quy định nội bộ của công ty hoặc thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.

* Trường hợp mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong thang, bảng lương hiện tại của công ty thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì công ty bắt buộc phải tăng lương cho người lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc quyết định tăng lương.

Trong trường hợp công ty trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ -CP như sau: Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

– Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Phân tích các hình thức trả lương cho người lao động

Điều kiện và mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề công ty có bắt buộc phải tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng không? Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ luật sư tư vấn pháp luật: 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này