- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 20/12/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Hiện nay đất nước ta đang trên đà phát triển, kéo theo đó là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ ngày càng phát triển và được chú trọng. Mô hình hộ kinh doanh là một trong những mô hình pháp lý quan trọng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tự do tại vùng, miền địa phương,..
Tuy nhiên trong tình hình dịch Covid – 19 diễn ra hết sức phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, do đó việc hộ kinh doanh hoạt động khó khăn việc chấm dứt hoạt động kinh doanh là tất yếu. Như vậy, thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh được thực hiện ra sao? Hồ sơ chấm dứt hoạt động kinh doanh bao gồm những loại giấy tờ nào?
Để giải đáp vấn đề này, Luật Thành Đô xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết: Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh mới nhất.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật Doanh nghiệp năm 2020;
Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp năm 2020;
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp;
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT quy định hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;
Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;
Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA HỘ KINH DOANH
Theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh
Từ khái niệm nêu trên, hộ kinh doanh bao gồm những đặc điểm sau:
(1) Hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ;
(2) Hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô nhỏ, có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng phải có 01 nơi kinh doanh là trụ sở chính của hộ kinh doanh, những địa điểm kinh doanh khác hộ kinh doanh phải tiến hành thông báo cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý thị trường nơi những địa điểm kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh;
(3) Chủ hộ kinh doanh và thành viên của hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của minh đối với hoạt động kinh doanh;
(4) Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Bởi so với pháp nhân, theo đó pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với tài sản riêng của doanh nghiệp, còn hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh chính bởi việc không có sự tách bạch giữa tài sản của thành viên hộ kinh doanh đối với tài sản của hộ kinh doanh.
Bài viết có thể bạn quan tâm: |
III. THỦ TỤC CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG HỘ KINH DOANH MỚI NHẤT
Theo quy định tại Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh hiện nay bao gồm các bước sau:
Bước 1: Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Kèm theo thông báo bao gồm các loại giấy tờ nêu tại Mục IV dưới đây;
Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Trong trường hợp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh;
Trong trường hợp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh không hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Trước khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác
IV. HỒ SƠ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG HỘ KINH DOANH MỚI NHẤT
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Nghị định 01/20201/NĐ-CP hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh bao gồm các loại giấy tờ sau:
(1) Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
(2) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
(3) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
(4) Văn bản ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh (nếu có).

Trên đây là bài tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề: Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh mới nhất. Nếu quý bạn đọc còn bất kỳ vướng mắc, băn khoăn nào liên quan đến vấn đề này vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được hướng dẫn và giải đáp chi tiết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn