- Chuyên mục: Tư vấn luật hành chính
- Ngày đăng: 01/11/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Trong cuộc sống hàng ngày, thay đổi nơi cư trú là việc thường xuyên diễn ra. Vậy khi thay đổi nơi cư trú cần tiến hành thủ tục chuyển hộ khẩu như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn Quý khách hàng thủ tục chuyển hộ khẩu khác quận, huyện.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Cư trú 2020;
– Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú;
– Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. HỒ SƠ CHUYỂN HỘ KHẨU KHÁC QUẬN, HUYỆN
Theo quy định của Luật cư trú 2020, thủ tục chuyển hộ khẩu cùng quận huyện, hay chuyển hộ khẩu khác quận huyện được thực hiện giống nhau. Cá nhân chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại nơi chuyển hộ khẩu đến.
Lưu ý: Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì phải đăng ký thường trú tại nơi ở mới trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Hồ sơ chuyển hộ khẩu khác quận, huyện bao gồm các thành phần sau đây:
* Đối với công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình đăng ký thường trú tại chỗ ở đó:
Hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
(1) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
(2) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp, tức 1 trong số các giấy tờ sau:
– Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
– Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
– Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
– Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
– Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
– Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
– Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
– Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
* Đối với công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở đồng ý:
Hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
(1) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
(2) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau:
– Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
– Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
(3) Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác:
– Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột, cháu ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về mối quan hệ nhân thân;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết, xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;
– Giấy tờ chứng minh người cao tuổi: Giấy khai sinh, thẻ CCCD hoặc CMND, Hộ chiếu; Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh;
– Giấy tờ chứng minh người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi: Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú;
– Giấy tờ chứng minh người chưa thành niên gồm: Giấy khai sinh, thẻ CCCD hoặc CMND, Hộ chiếu, Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh.
* Đối với công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ:
Hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
(1) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
(2) Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
(3) Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
III. THỦ TỤC CHUYỂN HỘ KHẨU KHÁC QUẬN, HUYỆN
Để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu khác quận, huyện, người có nhu cầu chuyển hộ khẩu cần thực hiện thủ tục theo trình tự các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người chuyển hộ khẩu khác quận, huyện cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ thành phần nêu trên để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú, cụ thể:
– Công an xã, phường, thị trấn;
– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Bước 3: Thụ lý và giải quyết hồ sơ
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp cần bổ sung hồ sơ cơ quan có thẩm quyền sẽ liên hệ yêu cầu bổ sung.
Lệ Phí: Lệ phí thực hiện thủ tục do HĐNĐ cấp tỉnh quy định.

Bài viết cùng chủ đề chuyển hộ khẩu khác quận:
Điều kiện tách hộ khẩu? Có được tách hộ khẩu khi chưa có sổ đỏ không?
Thủ tục tách và chuyển hộ khẩu khi ly hôn
Hướng dẫn chuyển hộ khẩu về nhà chồng khi kết hôn
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Thủ tục chuyển hộ khẩu khác quận, huyện, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua tổng đài 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn